Multimedia Đọc Báo in

Đích ngắm kinh tế - xã hội năm 2023

08:14, 01/01/2023

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong năm 2023, tỉnh ta đã đặt ra nhiều chỉ tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm lớn để hoàn thành.

Nâng mức của các chỉ tiêu

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng sản phẩm xã hội đạt khoảng 62.900 – 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8 – 8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.200 tỷ đồng; thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng. GDRP đầu người của tỉnh đạt 62,3 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1.600 triệu USD (cao hơn 100 triệu USD so với năm 2022); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 95.300 tỷ đồng (tăng 5,3% so với ước thực hiện năm 2022). Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 lũy kế có 86/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2022.

Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tập trung vào các chỉ tiêu chủ yếu như: kết nạp đảng viên mới từ 3 - 4%/tổng số đảng viên trở lên, phấn đấu tăng 5 - 7 bậc chỉ số cải cách hành chính so với năm 2022; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kiềm chế tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022...

 
“Nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023 rất quan trọng và nặng nề, cần tập trung thực hiện đạt và vượt để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy sẽ nghiêm túc phê bình, xem xét trách nhiệm người đứng đầu đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Năm 2021, kịch bản tăng trưởng của tỉnh là 6,46%, đã thực hiện đạt 7,27%; năm 2022, kịch bản là 7,23%, đã thực hiện đạt 8,94%. Theo Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 6/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 khá cao: 7,8 – 8%. Theo đó, nếu duy trì đà tăng trưởng trên 7%/năm, tỉnh ta sẽ đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Những giải pháp căn cơ

Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách và sự quan tâm của Trung ương dành cho tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các sở, ngành tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị các điều kiện để khởi công Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...; tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số...

Để bảo đảm nguồn vốn vay tín dụng cho phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung thực hiện mức tăng trưởng tín dụng từ 10 - 12% theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có thế mạnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su.

TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực phát triển về mọi mặt.

Đối với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho biết, tỉnh còn thiếu 400 - 500 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Trong điều kiện xuất phát điểm còn thấp, nguồn vốn Trung ương hạn chế và giảm gần 30% so với giai đoạn trước, việc xây dựng nông thôn mới phải phát huy tối đa nguồn nội lực của địa phương. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cũng phải nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, cùng với việc kiến nghị Trung ương bổ sung vốn cho tỉnh cũng cần xem xét cân đối từ các nguồn tăng thu của tỉnh, bổ sung vốn cho các địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về chỉ tiêu cải cách hành chính, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Hiển nhận định, các chỉ số có liên quan như PCI, PAR Index, PAPI của tỉnh thời gian qua có tăng nhưng tăng rất ít, không theo kịp các tỉnh thành khác. Theo mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2025, tỉnh nằm trong top 20 về cải cách hành chính thì cần tập trung nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ số cho người dân. Các ứng dụng đưa vào triển khai cũng cần phải có tính đồng bộ, thiết thực mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, sử dụng. Đồng thời, cần tập trung triển khai cấp chữ ký số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trên môi trường số.

Nguyễn Xuân - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.