Multimedia Đọc Báo in

“Quả ngọt” từ OCOP

08:49, 26/01/2023

Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Đắk Lắk. Những sản phẩm OCOP được các chủ thể nâng tầm để đáp ứng yêu cầu thị trường và vươn ra chinh phục thị trường thế giới.

Nâng chất để nâng sao OCOP

Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, hiện Đắk Lắk đã có 72 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã nhanh chóng khẳng định vị thế và được thị trường đón nhận tích cực. Và một trong những thành quả “ngọt ngào” nhất, đánh dấu bước tiến lớn của sản phẩm OCOP của Đắk Lắk là sản phẩm mắc ca đạt 4 sao OCOP của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng) đã chinh phục thành công một trong những thị trường khó tính nhất - Nhật Bản.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm mắc ca đạt 4 sao OCOP của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương, sau khi sản phẩm đạt được 4 sao OCOP cấp tỉnh, để nâng tầm giá trị sản phẩm, doanh nghiệp đã không ngừng cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn hướng tới chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nay, ngoài xuất khẩu đi thị trường một số nước, như: Pháp, Canada, Hàn Quốc thì sản phẩm mắc ca của doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu được số lượng khá lớn, với hơn 6 tấn hạt thành phẩm theo đường chính ngạch sang thị trường Nhật Bản hồi đầu tháng 11/2022. Công ty cũng đang từng bước hoàn thiện hồ sơ để xét thăng hạng sản phẩm lên 5 sao OCOP trong thời gian tới.

Ông Otsuka Tokuro, Giám đốc Công ty Olty (Nhật Bản), đối tác của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương chia sẻ: “Khi nếm thử hạt mắc ca Đắk Lắk, chúng tôi đã rất ấn tượng vì sản phẩm giữ được hương vị thuần tự nhiên. Nó khác với các sản phẩm mắc ca bóc vỏ có tẩm gia vị (phần lớn có xuất xứ từ châu Úc) đang tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. Với sản phẩm của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương, chúng tôi tin tưởng vào chất lượng và hương vị của sản phẩm. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn gia tăng được sản lượng đều đặn qua các năm và mở rộng sang cung cấp cho các chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi.”

Cũng với lộ trình nâng sao cho sản phẩm OCOP, ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường (TP. Buôn Ma Thuột) với sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao chia sẻ: Khi sản phẩm được công nhận đạt sao theo quy định thì có nhiều thuận lợi đó là sản phẩm được công nhận một cách “danh chính, ngôn thuận” và nhờ đó người tiêu dùng tin tưởng, an tâm khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, đó cũng là một lời nhắc nhở cho các chủ thể cần phải cố gắng mỗi ngày hoàn thiện hơn nữa vì nhu cầu của thị trường đòi chất lượng ngày càng cao và gần như không có điểm dừng. Chính vì vậy, công ty vẫn đang trong lộ trình nâng chất sản phẩm một cách tốt nhất để chinh phục nhiều hơn nữa các thị trường quốc tế. Đây là yêu cầu trong quy trình nâng sao cho sản phẩm OCOP và hy vọng sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường sẽ đạt được 5 sao - chứng nhận cao nhất trong hệ thống OCOP trong thời gian sớm nhất.

Phát huy nguồn lực nội sinh

Từ những kết quả đạt được, Chương trình OCOP với chiến lược phát triển hàng hóa và dịch vụ dựa trên lợi thế của vùng nông thôn (các sản vật, đặc sản, tri thức, nền văn hóa, truyền thống, cảnh quan…) đã và đang được đánh giá là một giải pháp rất cụ thể, hiệu quả để giải bài toán nông nghiệp nông thôn hiện nay.

Sản phẩm Cà phê bột rang mộc nguyên chất của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia, PGS.TS. Trần Văn Ơn phân tích: Chúng ta cứ nghĩ nông thôn là thiếu vốn, nhưng chúng ta cần phải hiểu rộng ra: vốn ngoài tiền thì còn có các hiện vật khác, bao gồm đất đai, nguyên liệu sản xuất, sức lao động, trí tuệ... Đây cũng là nguồn lực nội sinh cần khai thác, sử dụng hiệu quả để chúng ta có một nguồn vốn lớn hơn. Ngoài ra, Đắk Lắk có tiềm năng về những sản phẩm nông nghiệp đặc thù và có lợi thế về sự đa dạng bản sắc các dân tộc. Đây chính là những giá trị khác biệt của sản phẩm OCOP mà các chủ thể cần khai thác thật tốt để thu hút người tiêu dùng đến để trải nghiệm và thưởng thức.

 

"Việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế".

 
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT

Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca...Đồng thời, Đắk Lắk cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước. Và thực tế cho thấy, Chương trình OCOP đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ý tưởng mới, những sản phẩm mới ra đời ở hầu khắp các địa phương. Ông Y Wu Sruk, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao (huyện Lắk) cho biết, nghề gốm truyền thống của đồng bào M’nông ở xã Yang Tao có từ rất lâu, khoảng 200 - 300 năm trước. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề truyền thống này có nguy cơ bị mai một dần. Hiện xã đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm “Gốm truyền thống của người M’nông” để phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy nghề gốm của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP, Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2035, với mục tiêu hình thành nên một trung tâm giới thiệu cấp tỉnh và 15 trung tâm giới thiệu cấp huyện để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Đắk Lắk và các tỉnh thành khác trong cả nước. Các sản phẩm OCOP sẽ thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm, các chuỗi sự kiện phát triển du lịch, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học... nhằm giới thiệu, kết nối được một số nhà phân phối hàng hóa cho nông sản Đắk Lắk. Đồng thời, đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống cửa hàng, siêu thị trong nước.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.