Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk và Khánh Hòa hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực

12:33, 26/02/2023

Ngày 26/2, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Lãnh đạo hai tỉnh tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Cùng tham dự có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp hai tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực: nông nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch; giao thông – vận tải; y tế, giáo dục, đào tạo, lao động và việc làm; an ninh, quốc phòng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tuy được thiên nhiên ban tặng các điều kiện tự nhiên và lợi thế khác nhau, nhưng đó cũng là thuận lợi quan trọng để hai tỉnh bổ sung cho nhau cùng hợp tác phát triển. Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh là hướng đến phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả tốt nhất tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh, phát huy tối đa nội lực, huy động tốt nhất các nguồn lực bên ngoài thông qua tăng cường giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, bản sắc của mỗi địa phương; mở ra cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với hai tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa có những lợi thế riêng, lại giáp ranh nhau nên rất thuận lợi để thực hiện kết nối, giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hai tỉnh nói riêng và tác động tích cực đến sự phát triển cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung. Thỏa thuận hợp tác thể hiện rõ ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong liên kết, hợp tác toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đóng góp sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội
Lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Gia

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng về thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Hai tỉnh cần sớm có những hành động, giải pháp để cụ thể hóa những cam kết hợp tác nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của hai địa phương trên tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu Trung ương và lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa tìm hiểu về lợi thế và các sản phẩm của địa phương. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Trung ương và lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa tìm hiểu về lợi thế và các sản phẩm của địa phương. Ảnh: Hoàng Gia

Tại hội nghị, ngoài ký Biên bản thỏa thuận hợp tác còn có một số hoạt động bên lề, như: giới thiệu tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa; doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối các sản phẩm địa phương; trưng bày giới thiệu các hoạt động về đầu tư, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của hai địa phương...

Minh Thông – Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.