Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp sẵn sàng cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

08:06, 13/02/2023

Thời điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các công đoạn chuẩn bị chu đáo để mang sản phẩm giới thiệu, quảng bá tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 14/3/2023, với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - vững bước hội nhập” -  một trong những điểm nhấn tại Lễ hội được kỳ vọng là cơ hội quảng bá giá trị, văn hóa cà phê cũng như tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ cà phê của tỉnh.

Với khoảng 400 gian hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh là cà phê và máy móc, thiết bị nông nghiệp, phân bón, mặt hàng phụ trợ ngành cà phê sẽ được trưng bày, giới thiệu, quảng bá rộng rãi tại Hội chợ - triển lãm. Vì thế, các doanh nghiệp đều dành sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo và đầu tư nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm, thiết kế gian hàng ấn tượng để đón khách đến tham quan, tìm hiểu.

Trình diễn pha chế cà phê Syphon theo kiểu Pháp để tăng trải nghiệm cho du khách tại Không gian trưng bày thưởng thức cà phê An Thái.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái có đông lượng khách hàng trên thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện đã có hơn 10 đối tác, khách hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới cho biết sẽ trực tiếp đến thăm, tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến tại nhà máy trong dịp lễ hội cà phê sắp đến.

Xác định đây là dịp để tạo dấu ấn về sản phẩm tiêu biểu của tỉnh và cơ hội để nâng cao uy thế doanh nghiệp, đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo để đón tiếp, kết nối khách hàng hiểu hơn về các quy trình làm ra sản phẩm cà phê chất lượng cũng như văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột.

Do đó, Công ty đã dành nhiều ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, xúc tiến đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt, chuyên nghiệp hơn; đồng thời đơn vị cũng đầu tư trang hoàng không gian thưởng thức, không gian trưng bày cà phê.... nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về cà phê.

Tại lễ hội lần này, Công ty tổ chức phục vụ cà phê miễn phí, trải nghiệm các phong cách uống cà phê khác nhau cho du khách, tổ chức chương trình bán hàng ưu đãi... Mặt khác, đơn vị cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc bán hàng và quảng bá, kết nối khách hàng, đối tác; cập nhập các thông tin cơ bản về lễ hội cũng như sản phẩm của đơn vị, góp phần quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Với Công ty TNHH DAKMAN Việt Nam, đơn vị cũng đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để mang sản phẩm giới thiệu, quảng bá tại Lễ hội.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay, lễ hội này, công ty sẽ mang đến các dòng sản phẩm cà phê nhân chất lượng cao, cà phê honey, cà phê chế biến ướt nhằm giới thiệu cho du khách.

Đơn vị mong muốn gặp gỡ nhà rang xay, khách hàng trong và ngoài nước, tận dụng cơ hội để khẳng định vị thế với khách hàng, gia tăng niềm tin về sản phẩm cà phê Việt và giá trị cà phê Buôn Ma Thuột.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê, từ năm 2007, đơn vị đã chủ động liên kết với hợp tác xã, nông dân trồng cà phê thực hiện chương trình sản xuất cà phê bền vững, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất cà phê có chứng nhận.

Tính đến nay, đơn vị liên kết với khoảng 3.000 nông hộ tại các vùng trồng cà phê trong tỉnh trên diện tích 1.500 ha sản xuất cà phê có chứng nhận 4C, cà phê có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột... Sản phẩm cà phê của công ty đã xuất khẩu sang những thị trường chính như: châu Âu, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... và có được niềm tin của đối tác, khách hàng.

Du khách tham quan, tìm hiểu về sản phẩm cà phê tại Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Nhiều năm liền tham gia Lễ hội Cà phê, Công ty TNHH phân bón Hàn-Việt (TP. Hồ Chí Minh) xem đây tiếp tục là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm phân bón chất lượng, sản xuất theo công nghệ hiện đại phù hợp với cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời cũng là dịp để đơn vị trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng nhằm xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Xác định Đắk Lắk là thị trường lớn, trọng điểm tại khu vực Tây Nguyên, Công ty càng dành sự quan tâm hơn trong dịp diễn ra lễ hội sắp tới. Tính đến nay, các công đoạn chuẩn bị về mặt hình ảnh, áp phích để trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như thiết kế gian hàng ấn tượng tại Hội chợ - triển lãm để thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách cơ bản đã hoàn tất. Các hoạt động tư vấn, hướng dẫn cách dùng sản phẩm phân bón đúng cách, hiệu quả đến bà con nông dân cũng được đơn vị đẩy mạnh trong dịp này. Công ty lựa chọn đội ngũ nhân viên bán hàng có kỹ năng giao tiếp tốt, trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho khách hàng nhằm tăng hiệu quả xúc tiến thương mại.

Năm nay dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, Lễ hội Cà phê  Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được tổ chức, người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi, mong chờ. Theo Ban tổ chức Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho Hội chợ - triển lãm đang được thực hiện hết sức khẩn trương. Tính đến hiện tại đã có 326 gian hàng của 85 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia. Đây tiếp tục là hoạt động quảng bá mạnh mẽ cho thế mạnh của địa phương, cho cà phê Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Vì thế, Hội chợ - triển lãm sẽ thu hút đông đảo du khách, người dùng cà phê quốc tế đến với Đắk Lắk.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.