Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa đô thị - nhìn từ đô thị cổ đến đô thị chủ đề

08:25, 12/02/2023

Những ngày rằm tháng Giêng vừa qua, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tưng bừng tổ chức loạt sự kiện chào đón chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể mới của địa phương, đó là Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu.

Đây là chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể thứ năm của thành phố này, khẳng định một vị thế đô thị văn hóa đặc sắc mà không phải địa phương nào cũng có được.

Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An chia sẻ, lịch sử phát triển đô thị cổ Hội An là một câu chuyện dài hiếm thấy, mà kết quả lưu giữ đến nay chính là những giá trị văn hóa bền vững, gắn kết sinh hoạt người dân địa phương. Chính không gian đô thị có nếp sống, tập tục riêng biệt của người dân đã tạo nên một Hội An hồn chất rất khác, và càng phát triển càng hòa quyện. Các đô thị khác liệu có thể học tập kinh nghiệm này?

Một vùng đất cần nhiều giá trị

Nhiều người thắc mắc, ở 5 di sản văn hóa phi vật thể của Hội An, dấu ấn “vật thể” có đủ, đó là làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, nghề thu hoạch yến Thanh Châu, và đến nay là Tết Nguyên tiêu. Song các sản phẩm từ gỗ, từ đồ gốm, hay những bó rau, đều là vật thể hữu hình, vậy văn hóa phi vật thể ở đâu trong hình thể ấy?

Vấn đề nếu nhìn nhận kỹ, thực chất dấu ấn văn hóa không hề nằm khô cứng qua hình ảnh một bình gốm, hay một vườn rau quả. Không gian sống động của sản phẩm chính là không gian chế tác nên sản phẩm và không gian bài trí, thiết đặt sản phẩm. Quan trọng là, không gian đó phải gắn liền với đời sống người dân, nhà sản xuất mới chính là nền tảng thể hiện chất văn hóa.

Đô thị cổ Hội An tưng bừng đón nhận di sản văn hóa phi vật thể mới.

Như thế, khi nói đến văn hóa phi vật thể, các nhà nghiên cứu chuyên môn muốn nhấn mạnh đến đặc trưng văn hóa ẩn chứa bên trong, không bị lệ thuộc vào vật thể đó. Bình gốm Thanh Hà chỉ đẹp khi được đặt trang trọng ở vị trí nào đó, bài trí những vật dụng gì tương cận, và quan trọng hơn, phải phản ảnh được cả quy trình sản xuất, chế tác nên bình gốm ấy. Tương tự, phố cổ Hội An được định vị với những dãy nhà phố, những chùa chiền, cầu cống, nhưng không gian văn hóa Hội An, chất liệu tạo nên di sản văn hóa lại là không gian sống của người dân, những phong tục lề thói, cách đi lại, giao tiếp… mà họ thể hiện. Hoạt động Tết Nguyên tiêu là một trong những biểu hiện tập trung ấy, nên trở thành dấu ấn văn hóa phi vật thể, không dựa vào vật thể để biểu hiện.

Theo ông Võ Phùng, một đô thị càng đầy sức sống thì phải thể hiện nhiều giá trị. Từ lịch sử vùng đất, cho đến chất lượng văn hóa đời sống, mỗi lĩnh vực nên có một giá trị được bảo lưu, tôn vinh thì vùng đất ấy mới giàu có bản sắc. Hội An rất may mắn đã có cơ hội ấy, nên đến hôm nay, vẫn luôn gắng giữ gìn cho được những dấu tích, hành động, màu sắc… mà văn hóa cố hữu đã định vị rồi. Chính nhờ điều đó mà Hội An mới có được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, cùng tạo nên một diện mạo tương lai rực rỡ để không ngừng khai phá.

Khát vọng đô thị chủ đề

Ở một bối cảnh đối sánh, TP. Buôn Ma Thuột những ngày qua cũng đẩy mạnh quảng bá, vận động các hình ảnh văn hóa đặc sắc của địa phương. Đó là kế hoạch tổ chức lễ hội cà phê tại địa phương, có sự lan tỏa khắp các địa bàn khác. Sau lễ hội này, tỉnh Đắk Lắk muốn khai thác mạnh bản sắc văn hóa các đô thị, gắn với lịch sử ưu thế nông nghiệp vùng cao nguyên. Đó sẽ là một đô thị chuyên canh về nông nghiệp hữu cơ; hay một đô thị đầu mối kết nối, phân phối nông sản sau thu hoạch…

Lợi thế phải thấy của Buôn Ma Thuột là dấu ấn bản địa có các sản phẩm nông sản chất lượng cao mà nơi khác không so được. Những ly cà phê hay gói bột ca cao ở đây luôn có hương vị riêng, giúp tạo những giá trị thưởng ngoạn độc đáo. Nếu phát triển các sản phẩm này, với kết quả vận động xây dựng những không gian đô thị cá biệt, bám sát chủ đề nông sản, chắc chắn đô thị Buôn Ma Thuột sẽ đạt tầm giá trị văn hóa phi vật thể mới. Khi thành phố hiện hữu những chủ đề về đô thị cà phê, đô thị ca cao, đô thị sầu riêng…, giá trị thương hiệu bản địa sẽ càng lớn hơn. Mỗi khu, cụm đô thị tại đây, tại sao không thể dần hình thành những không gian văn hóa phi vật thể độc đáo ở tương lai?

Người dân buôn Weo A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) trong một buổi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Ánh Ngọc

Nét riêng thứ hai của Buôn Ma Thuột là sự đồng hành hiện hữu quần thể các dân tộc anh em trong hoạt động kinh tế dân sinh. Đây là lý do để đến nay Đắk Lắk có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận, gắn kết chặt chẽ hoạt động đời sống, lịch sử giao tiếp của người dân cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, cơ hội khai thác hiệu quả các di sản này lại chính là không gian giao lưu văn hóa giữa đô thị mà ngành văn hóa, du lịch địa phương đặt ra. Nếu trên cơ sở này, địa phương xây dựng những quần thể hoạt động xã hội, du lịch tại Buôn Ma Thuột hay các đô thị mới sẽ là cơ hội mở ra những không gian văn hóa mới, vừa bảo lưu truyền thống, vừa cập nhật hiện đại rất hiệu quả.

Bởi hai nét riêng, cũng là lợi thế riêng giữa vùng cao nguyên này, đô thị Buôn Ma Thuột trong một tương lai gần, cần nghĩ đến chiến lược phát triển cân đối, hài hòa những giá trị văn hóa bản sắc bên cạnh các hoạt động đời sống thị dân. Chỉ khi nào bài toán sinh kế, phát triển kinh tế thị dân được sắp đặt song hành, cùng khai thác với các biểu hiện giao tiếp, đời sống văn hóa, tập tục, nghi lễ… trong cộng đồng, những không gian văn hóa phi vật thể mới xuất hiện và được duy trì bền vững. Càng đi càng xa, chắc chắn khát vọng hình thành những tâm điểm không gian văn hóa phi vật thể cho vùng đất Tây Nguyên sẽ là hiện thực.

Nhìn từ một đô thị văn hóa cổ, thấy một đô thị văn hóa mới, với những giao hòa giá trị cộng đồng bền vững, độc đáo, đó chính là câu chuyện cần phát triển!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc