Multimedia Đọc Báo in

Liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân

08:14, 10/02/2023

Trong thời gian qua, việc nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã giúp bà con có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao giá trị và tạo đầu ra bền vững cho nông sản.

Nâng cao giá trị cho quả bơ booth

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) là DN chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi, như: dầu bơ, bột bơ, son dưỡng bơ, muối tắm bơ, mặt nạ bơ… Thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu thì công ty đã mở rộng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với người dân trồng bơ booth trên địa bàn huyện Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột, với diện tích gần 4 ha. Riêng trong năm 2022, công ty đã thu mua khoảng 30 tấn bơ của người dân.

Theo ông Đinh Huy Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.200 ha đất trồng bơ, trong đó diện tích trồng bơ booth khá nhiều. Tuy nhiên có những thời điểm, giá bơ booth giảm sâu còn 5.000 đồng/kg.

Nhất là đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá bơ rớt xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua, thì công ty đã đứng ra thu mua cho bà con trồng bơ. Đây là năm thứ tư công ty liên kết với các nhà vườn để trực tiếp thu mua bơ cho người dân mà không thông qua các vựa hay thương lái. Giá thu mua mà công ty đang áp dụng cho các hộ dân cao hơn 2.000 đồng/kg so với thị trường, sắp tới sẽ cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, qua đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Để chất lượng bơ đạt tiêu chuẩn chế biến sâu, tất cả các quy trình trồng và chăm sóc bơ của nhà vườn phải tuân thủ theo đúng yêu cầu của công ty.

Ngoài ra, trước khi thu hoạch bơ, người trồng phải ngừng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 20 - 30 ngày. Ông Thắng cho biết: “Thông qua việc liên kết với DN, nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tạo nguồn nguyên liệu ổn định hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh”.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bơ địa phương.

Như hộ ông Phạm Đình Khành (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) có 250 cây bơ booth trồng xen trên 1 ha đất trồng cà phê của gia đình từ năm 2008. Những thời điểm bơ có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vườn bơ không có người thu mua, bơ rụng đầy gốc, ông đành cho người ta nhặt về làm thức ăn cho vật nuôi. Vào thời điểm đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang đã nhận thu mua 1,8 tấn bơ của gia đình ông Khành với giá 6.000 - 8.000 đồng/kg, giúp ông "vớt vát" phần nào chi phí đầu tư cho vườn cây. Trong năm nay, vườn bơ của gia đình ông đạt sản lượng hơn 2 tấn, được công ty thu mua với giá 10.000 đồng/kg. “Từ khi liên kết với Công ty Pơ Lang, tôi yên tâm chăm sóc vườn bơ xanh tốt để đạt năng suất cao mà không còn phải lo đến cảnh bán cho ai hay bị thương lái ép giá nữa”, ông Khành cho hay.

Với mục tiêu xây dựng kênh thu mua ngắn nhất và tạo hướng đi bền vững, nâng cao giá trị cho quả bơ tươi, trong thời gian tới, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang dự định sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại những nơi có chất lượng quả bơ booth tốt như huyện Krông Búk, Krông Năng, Buôn Hồ...

Tăng thu nhập cho người nuôi ong mật

Lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và dồi dào các loài hoa cà phê, cao su, cây ăn quả… đã tạo điều kiện phát triển nghề nuôi ong mật trên địa bàn huyện Krông Búk. Dựa vào tiềm năng của địa phương, anh Đỗ Ngọc Anh (thôn 9, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) đã nghiên cứu thành công sản phẩm mật ong lên men Bon Bon và cuối năm 2020 thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Long. Sản phẩm mật ong lên men giúp đường ruột được bổ sung khối lượng lớn lợi khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể, nên được khách hàng trong nước đón nhận tích cực. Để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, ong thô là nguyên liệu quan trọng trong quy trình lên men. Vì thế để đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng, sẵn có, công ty đã ký cam kết thu mua mật ong nguyên chất với một số cơ sở nuôi ong mật trên địa bàn huyện Krông Búk.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Long kiểm tra chất lượng các sản phẩm mật ong lên men.

Anh Anh cho biết, hằng năm công ty đều thu mua khoảng 12 – 13 tấn mật ong thô, với giá 70.000 đồng/lít cho người dân, cao hơn so với giá các cơ sở nuôi ong bán cho DN chế biến, xuất khẩu khác khoảng 20.000 – 30.000 đồng/lít. Mật ong thô sau khi lên men sẽ tiêu hao khoảng 5 – 10% sản lượng nguyên liệu đầu vào. Do đó, để nguyên liệu đầu vào đảm bảo, công ty cũng đòi hỏi các cơ sở nuôi ong phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, mật ong phải được xử lý kỹ, sạch sẽ, đúng tiêu chuẩn (lượng nước trong mật, độ khô chuẩn) và có màu sắc, hương vị đặc trưng của từng mùa hoa. Khách hàng cũng đặc biệt ưa chuộng mật ong lên men từ hoa cà phê và hoa vải, hoa nhãn (ở miền Bắc), bởi mật trong, có màu nâu nhạt, hương thơm đặc trưng hơn so với các loại mật khác. Tháng ba cũng là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất, nên công ty vẫn ưu tiên tăng cường thu mua mật ong, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi ong trên địa bàn huyện.

“Nuôi ong theo các mùa hoa, vì thế 1.500 thùng ong của gia đình phải di chuyển khắp nơi trong cả nước để lấy mật hoa. Tùy vào điều kiện thời tiết, gia đình có thể thu hoạch được từ 60 – 100 tấn mật mỗi năm. Cũng nhờ liên kết với Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Long đã tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra, giá cả sản phẩm ổn định, giúp gia đình yên tâm để tiếp tục gắn bó, phát triển nghề nuôi ong này”, anh Phạm Đức Huy (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) chia sẻ.

Với định hướng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Long đang hỗ trợ các cơ sở nuôi ong thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP; đảm bảo thu mua mật ong cho người dân với số lượng lớn, giá cả tốt; đồng hành với người dân phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương.

Tuyết Mai - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.