Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng bản sắc đô thị

06:32, 05/02/2023

TP. Buôn Ma Thuột đang định hướng điều chỉnh quy hoạch và đầu tư để tận dụng tốt những cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng kể từ năm 2023.

Song đây chỉ là một trong các đô thị chủ chốt mà tỉnh Đắk Lắk muốn đẩy mạnh đô thị hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng những giá trị đầu tư quy mô hơn.

Trong hướng phát triển đó, tầm nhìn về những đô thị Tây Nguyên to đẹp hơn song vẫn bảo toàn được các giá trị nguyên sơ, bản sắc rất cần được nghĩ đến.

Quy hoạch đô thị gắn liền bản sắc

Đề cập đến kết quả vận động đầu tư, phát triển đô thị những năm qua, ông Lê Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk chia sẻ, riêng trong năm 2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030; đề xuất điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển mở rộng không gian đô thị Buôn Ma Thuột hướng đến tầm nhìn phát triển từ năm 2030 đến năm 2045…

Đây là những điểm nhấn quan trọng giúp địa phương định hình rõ công tác quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn, nhất là nhắm hướng đầu tư hiệu quả các đô thị then chốt làm tâm điểm phát triển.

Phát triển các không gian đô thị mới là yêu cầu được đặt ra với Buôn Ma Thuột trong xu thế mở rộng giá trị đô thị.

Về tỷ lệ quy hoạch đô thị, hiện TP. Buôn Ma Thuột đã có tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt đến 74,15%. Đô thị liền kế là thị xã Buôn Hồ cũng có tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị đạt 68,78%.

Những điểm nhấn này đang mở ra các tiền đề, cách tổ chức phát triển đô thị, phân khu quy hoạch đô thị ở những đô thị khác của Đắk Lắk, tạo hệ thống đô thị phát triển với những tiêu chí khá đồng bộ và hiệu quả.

Điều phải thấy với hướng phát triển đô thị Đắk Lắk là các tiêu chí đầu tư cần phù hợp với cấu trúc đô thị bản địa và hỗ trợ được cho đời sống thị dân, qua đó hiện thực hóa được những cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho địa phương. TP. Buôn Ma Thuột phải tiên phong đi trước, có được và triển khai tốt các cơ chế, chính sách này, mới có thể tiếp nối cho các đô thị đi sau.

Cân bằng đô thị cũ và mới

Theo các nhà tư vấn, yêu cầu đô thị phải thể hiện được bản sắc địa phương, nghĩ đơn giản nhưng không dễ làm được. Những đô thị đi trước, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề từ rất lâu rồi, song qua những bề dày lịch sử, ý tưởng bản địa hóa quy hoạch đô thị không dễ gì làm được. May mắn với Buôn Ma Thuột, là đô thị đi sau chưa có nhiều tác động biến thiên đô thị bên trong.

Lịch sử đã qua của thành phố này, ghi nhận các giai đoạn phát triển không gian đô thị gắn với chính trị xã hội, nhưng vẫn tuân thủ hai nét văn hóa bản địa đặc trưng, là tư duy mẫu hệ trong sinh hoạt đời sống, và dấu ấn kinh tế nông nghiệp trong đầu tư đô thị.

Buôn Ma Thuột vì vậy đã phát triển thành một đô thị có hình thái co cụm không gian ở vùng trung tâm, và tuân thủ sự bao quanh của không gian tự nhiên, không gian xanh nông nghiệp cơ hữu bao đời.

Đắk Lắk đang nỗ lực tổ chức kết nối các không gian quy hoạch đô thị từ Buôn Ma Thuột ra các địa bàn xung quanh.

Trước vận hội mới của kinh tế toàn cầu, xu hướng hội nhập mạnh mẽ, TP. Buôn Ma Thuột buộc phải đặt ra bài toán kết nối rộng hơn, có những giá trị bền vững trong đời sống thị dân hơn.

Đây là lý do trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đặt các yêu cầu đầu tư hệ thống giao thông từ Buôn Ma Thuột đi các nơi, nhất là các tuyến cao tốc để xây dựng hiệu quả các hệ thống logistics.

Đồng thời yêu cầu đầu tư hạ tầng nông nghiệp bền vững, xây dựng các nền tảng quan hệ xã hội trong cộng đồng người dân cũng được địa phương chú trọng, giúp cải thiện thu nhập, đời sống người dân đồng thời củng cố định vị tốt các đô thị lõi.

Như thế, TP. Buôn Ma Thuột, hay mở rộng ra các đô thị khác sẽ vừa phát triển được các không gian đô thị mới, hiện đại, vừa tuân thủ được sức mạnh kinh tế vốn có, là nền kinh tế nông nghiệp cao sản và hướng đến xuất khẩu giá trị.

Diện mạo của những đô thị được quy hoạch thế này sẽ vừa khang trang hiện đại, vừa gần gũi thiên nhiên, hài hòa các giá trị lâu đời, kể cả hài hòa với tính cá biệt của các dân tộc anh em.

Buôn Ma Thuột là đô thị đi trước, phải đối mặt với những thách thức như làm sao mở rộng diện tích sàn nhà ở đô thị đúng các tiêu chuẩn đô thị loại 1, vì hiện nay thành phố này mới đạt 25,92 m2 sàn/người dân; song lại phải cân đối với tỷ lệ mật độ cây xanh, diện tích không gian công cộng, văn hóa… truyền thống.

Các nhà tư vấn, quy hoạch phải giải quyết tốt được bài toán này, mới có thể qua đó vận động phát triển tiếp các đô thị khác đi sau, cùng làm nên diện mạo toàn cảnh đô thị hóa cho Đắk Lắk.

Trong đó, mỗi đô thị nhỏ, hạt nhân tiểu vùng lại phải chọn được những giá trị bản địa riêng, để xây dựng tốt quy hoạch các khu, cụm đô thị bên trong, trở thành những tâm điểm đầu tư, phát triển đời sống thị dân và toàn xã hội.

Đơn cử với các đô thị Buôn Hồ, Krông Pắc, Ea Kar… sẽ cần có những bài toán xử lý đầu tư đô thị làm sao cân đối xu thế hiện đại hóa đời sống, với khai thác hiệu quả các tiềm lực kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Mỗi đô thị có một nét phát triển riêng, một tên gọi đặc thù riêng sẽ tạo nên một không gian quy hoạch rất đồng bộ mà lại đặc thù, giúp cho toàn tỉnh Đắk Lắk phát triển ổn định, và phát huy tốt công tác quy hoạch dài lâu.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.