Giá nhãn bấp bênh: Nông dân lo lắng đầu ra
Thời điểm này, người dân trồng nhãn trên địa bàn Đắk Lắk bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính. Nhãn năm nay được đánh giá là được mùa song giá bán thấp, có thời điểm chỉ bằng một nửa so với năm trước khiến người trồng nhãn lo lắng.
Ea Tih là một trong những xã có diện tích trồng nhãn lớn nhất của huyện Ea Kar, với diện tích hơn 600 ha. Theo người dân trồng nhãn tại địa phương, nhờ thời tiết thuận, tỷ lệ đậu quả cao nên vụ nhãn năm nay được mùa, nhưng giá bán lại lên xuống thất thường, dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với vụ trước. Thậm chí có những thời điểm giá nhãn rớt xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Gia đình chị Lê Thị Hiền (thôn Đồng Tâm) có 3 ha nhãn hương chi, sản lượng ước đạt hơn 30 tấn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình chị đã thu hoạch được 1 ha nhãn, bán "xô" với giá 15.000 đồng/kg, trong khi mùa nhãn năm ngoái là 27.000 đồng/kg. Chị Hiền ngậm ngùi: “Với giá nhãn như hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công thu hái thì thu nhập của người trồng nhãn chẳng còn là bao”.
Các vườn nhãn ở xã Ea Tih (huyện Ea Kar) đang bước vào vụ thu hoạch chính. |
Huyện M’Drắk có 800 ha nhãn, trong đó có 600 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 12 – 15 tấn/ha. Cây nhãn đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân ở đây, tuy nhiên vụ thu hoạch năm 2023, giá bán ra bấp bênh ngay từ đầu vụ khiến nhiều nông dân lo lắng.
Gia đình ông Phạm Đình Thướng (xã Ea Pil) có hơn 20 ha nhãn. Ông cho hay, năm nay giá thu mua không ổn định như mọi năm, giá lên xuống từng ngày và có sự chênh lệch lớn giữa hàng đẹp và hàng bình thường đến 7.000 – 8.000 đồng/kg. Do nhãn trồng rải vụ nên thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, vì vậy nông dân rất lo lắng vì không biết thị trường quả nhãn thời gian tới như thế nào, trong khi chi phí đầu tư khá cao.
Cần liên kết để ổn định đầu ra
Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.100 ha nhãn (trong đó 600 ha đang cho thu hoạch) tập trung chủ yếu tại các xã Ea Tih, Ea Sar, Ea Sô. Hiện tại, giá nhãn mà thương lái thu mua cho người dân trên địa bàn huyện dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với năm trước (từ 25.000 - 32.000 đồng/kg). Nguyên nhân giá nhãn xuống thấp là do trước thời điểm thu hoạch nhãn, tại địa phương có mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nhãn như màu vỏ quả không được tươi sáng, bị nứt, dễ bị nấm mốc. Cùng với đó, nhãn đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng nhãn cung cấp ra thị trường rất nhiều nên bị các thương lái ép giá.
Vườn nhãn ở xã Ea Pil (huyện M'Drắk) đang bước vào thu hoạch. |
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại huyện M’Drắk khiến chất lượng quả nhãn giảm, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên nông dân buộc phải bán giá thấp hơn.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, những năm trở lại đây diện tích cây ăn quả của tỉnh phát triển rất mạnh, với 43.324 ha - chiếm 13% diện tích cây lâu năm của tỉnh. Trong đó, cây nhãn 2.610 ha, sản lượng 12.969 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Drắk, Cư Kuin, Krông Ana… Cây nhãn được người dân trồng xen trong các vườn cà phê hoặc chuyển đổi từ những diện tích đất trồng sắn, mía không hiệu quả. Hiện, người dân vẫn có xu hướng tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả sang trồng nhãn. Trong những năm qua, nhãn được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ea Kar và M’Drắk, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên phần lớn là do người dân trồng tự phát, chưa có đầu ra ổn định, sản phẩm làm ra phụ thuộc vào sức mua của thương lái nên giá cả rất bấp bênh. Mặt khác, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, cũng như phát triển cây giống vẫn “mạnh ai nấy làm”. Điều này đã đẩy cây nhãn vào tình trạng phát triển thiếu bền vững, nguy cơ rơi vào điệp khúc “chặt - trồng”.
Nhìn nhận được những hạn chế đó, huyện Ea Kar đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện gắn 4 mã số vùng trồng cho sản phẩm nhãn hương chi của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih)… Đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025” nhằm xây dựng và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có cây nhãn. Theo đó, đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào việc chăm sóc, chứng nhận quy trình sản xuất tiên tiến, gắn mã số vùng trồng, hỗ trợ bao bì sản phẩm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, hỗ trợ khu sơ chế, đóng gói và xúc tiến thương mại cho sản phẩm.
Tại huyện M’Drắk, bước đầu cũng đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung tại các xã như Ea Pil với 443 ha nhãn và 115 ha vải; Cư Prao có 104 ha nhãn, 45 ha vải…, đồng thời hình thành các hợp tác xã để liên kết các nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận, đáp ứng nhu cầu thị trường cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, thân thiện môi trường vào sản xuất; tập trung xây dựng thương hiệu đối với các nông sản chủ lực để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Lê Minh - Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc