Gỡ “nút thắt” trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp
Luật Đất đai năm 2013 đã có những điều chỉnh quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn còn những “nút thắt”, và kỳ vọng sẽ được tháo gỡ bằng những chính sách mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được hoàn chỉnh và chính thức ban hành.
Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhất là trong phát triển sản xuất tập trung, hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra cơ chế, đòn bẩy về quỹ đất, nguồn vốn từ đất, thời hạn sử dụng đất được giao tăng lên 50 năm.
Điều này được chứng minh qua kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh. Đắk Lắk bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến.
Đến nay, tỉnh đã có 112 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi, trồng trọt… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 64 dự án được thuê đất đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp với diện tích 43.309 ha.
Vẫn còn hạn chế trong tiếp cận đất đai
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, qua quá trình sử dụng đất, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là chính sách đất đai về việc tích tụ ruộng đất chưa được “cởi trói”.
Những chính sách mới về đất đai được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” hiện nay để phát huy tối đa nguồn lực đất nông nghiệp. |
Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là phát triển những cánh đồng công nghệ còn chưa nhiều, nguyên nhân chủ yếu là không có diện tích đất đai đủ lớn để triển khai thực hiện, do một số quy định của Luật Đất đai 2013 đã hạn chế việc tiếp cận đất đai với quy mô lớn như: hạn điền chỉ từ 2 - 3 ha, nếu tập trung quá 10 lần sẽ chuyển sang thuê của Nhà nước; quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Quy định tại các Điều 129 và 130 của Luật Đất đai 2013, tổng đất trồng cây hằng năm (cả được giao và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua các hình thức khác nhau) của mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ dưới 22 ha đến dưới 33 ha. Quy định hạn điền như hiện nay là cản trở tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân theo quy mô lớn.
Mặt khác, việc quy định thời hạn cho thuê thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 là quá ngắn (không quá 5 năm) khiến nhà đầu tư không yên tâm và đầu tư lâu dài, dễ nảy sinh tâm lý xã hội bất ổn khi sắp hết thời hạn cho thuê đất.
Kỳ vọng được “cởi trói” từ những điểm mới
Điều 171 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Với quy định này, diện tích đất cây hằng năm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha. Tại Điều 186 đã có những quy định chung để khuyến khích việc tích tụ ruộng đất bằng hai phương thức gồm: chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những điểm mới sẽ giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, từ đó tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, muốn phát triển ngành nông nghiệp tiên tiến, bền vững thì cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiến, cơ giới hóa trong các khâu từ trồng trọt, sản xuất đến chế biến nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để làm được điều đó, ngoài nguồn lực đầu tư về tài chính thì nguồn lực đất đai đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy nếu ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp được hình thành như chủ trương được đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sẽ góp phần giải quyết việc cung cấp nguồn đất lớn cho các nhà đầu tư triển khai các dự án quy mô lớn, tạo bước đi đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa các diện tích không canh tác, lãng phí tài nguyên đất đai.
Hương Lê - Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc