Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện đồng bộ những giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển rừng

19:57, 31/03/2023

Chiều 31/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung; phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 - 2022. Làm việc với Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện các sở, ngành, địa phương.

Theo số liệu của UBND tỉnh, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 501.206 ha (rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha), diện tích đất chưa có rừng là 232.423 ha, độ che phủ rừng đạt 38,35%.

Hiện nay, ban quản lý rừng đặc dụng đang quản lý gần 227.897 ha rừng; ban quản lý rừng phòng hộ: hơn 49.448 ha; các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế: hơn 196.751 ha; đơn vị lượng vũ trang: hơn 29.655 ha; tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo: hơn 63.973 ha; hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân: hơn 58.335 ha; còn lại một số diện tích rừng chưa có chủ, hiện do UBND cấp xã quản lý: hơn 107.568 ha.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Trong giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã trồng được gần 10.779 ha rừng, trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng hơn 153 ha; rừng sản xuất hơn 10.625 ha (trồng mới hơn 1.950 ha; trồng lại rừng sau khai thác hơn 8.675 ha).

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 64 dự án được thuê đất đầu tư phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp. Sau khi được phép thực hiện, các chủ dự án đã triển khai thực hiện trồng được gần 14.361 ha rừng, cây cao su, cây ăn quả và các loài cây trồng khác, đạt 60,2% so với quy hoạch. Tuy nhiên, một số dự án quản lý rừng kém hiệu quả, đất quy hoạch trồng rừng, trồng cao su bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp trái phép vẫn chưa thu hồi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc

Trong 3 năm qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tiếp nhận xử lý 5.142 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, xử lý hành chính 5.058 vụ, xử lý hình sự 84 vụ. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 1.547 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 445 vụ; săn bắt, vận chuyển, mua bán trái pháp luật động vật rừng 59 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 1.312 vụ; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật 936 vụ; các hành vi vi phạm khác 843 vụ.

Công tác trồng rừng tập trung; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm còn mỏng; chưa huy động được nhiều nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác phát triển rừng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn; nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém như thiếu năng lực, chậm tiến độ, cây trồng bị chết, sinh trưởng kém…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến tại buổi làm việc
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; giai đoạn 2019 – 2022, tình hình chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm so với trước đó.

Thời gian tới UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp; rà soát các văn bản, nghị định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo trong lĩnh vực này để kiến nghị Trung ương sửa đổi; thực hiện đồng bộ những giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển rừng, trong đó, bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện có và tăng diện tích rừng trồng; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tạo cơ sở, hành lang cho công tác bảo vệ và phát triển; đồng thời, có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất rừng đang do UBND cấp xã quản lý.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.