Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu khoai lang chính ngạch: Mở hướng cho nông dân canh tác chuyên nghiệp

08:17, 20/03/2023

Ngày 9/11/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang từ Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này mở ra lối thoát cho nông dân trồng khoai lang vốn đã lâm vào tình cảnh không bán được sản phẩm hai năm nay. Tuy nhiên, để khoai lang của Đắk Lắk bước vào lộ trình xuất khẩu chính ngạch cần tập trung quy hoạch lại sản xuất.

Sản xuất bấp bênh

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước có trên 100.000 ha khoai lang, sản lượng hằng năm dao động trong khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn. Khoai lang là cây lương thực truyền thống (chỉ đứng sau lúa, ngô) của Việt Nam và khoảng 10 năm trở lại đây, cây khoai lang đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đã từng đạt đến 60 triệu USD. Tuy nhiên, người trồng khoai lang trong nước vẫn trong tình trạng bấp bênh vì một số nơi nông dân thường tự ý phá quy hoạch khi gặp biến động thị trường. Trong khi đó, hoạt động liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm này vẫn chưa được chú trọng. Chính vì vậy, diện tích và sản lượng không theo kế hoạch đề ra. Đơn cử như năm 2021, cả nước có gần 98.000 ha khoai lang, sản lượng đạt trên 1,2 triệu tấn, nhưng do giá xuống thấp nên năm 2022, diện tích thực hiện giảm xuống còn hơn 86.000 ha, sản lượng đạt gần 970.000 tấn. Trong khi kế hoạch sản xuất của năm 2022 đưa ra là 105.000 ha và sản lượng trên 1,3 triệu tấn khoai lang.

Vùng trồng khoai lang trên địa bàn huyện Lắk.

Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang tương đối lớn, biến động từ 7.000 – 10.000 ha/năm, năng suất khoảng từ 25 – 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Búk... Trên thực tế thì cây khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cao hơn so với thu nhập ở những vùng trồng lúa nên khi thị trường khoai lang giá lên cao thì nông dân lại ồ ạt chuyển sang trồng loại cây này. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường xuất khẩu khoai lang tươi cũng như giá cả không ổn định. Vì vậy hiệu quả kinh tế cũng như hướng mở rộng diện tích trồng cây khoai lang theo hướng hàng hóa còn gặp khó khăn, kéo theo tình trạng sản xuất khoai lang không ổn định qua các năm. Nhất là tình trạng rớt giá và không tiêu thụ được kéo dài hai năm gần đây làm người nông dân không còn mặn mà với việc phát triển cây khoai lang.

Cơ sở đóng gói khoai lang của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lắk, là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất tỉnh với gần 700 ha, năng suất bình quân đạt 29 tấn/ha, những năm trước đây, cây khoai lang Nhật đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân và nhiều vùng đã mở rộng diện tích canh tác. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì đầu ra của khoai lang không còn ổn định và giá liên tục giảm xuống thấp. Nhất là thời điểm thu hoạch khoai lang vào tháng 6/2022, giá bán giảm sâu, chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg tại ruộng mà vẫn không có thương lái đến mua. Nguyên nhân là do chính sách “Zero covid” của Trung Quốc nên hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này bị chặn lại, toàn bộ hàng không thông quan được nên thương lái không dám thu mua.

Cửa chính ngạch đã mở

Ngày 9/11/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu vui cho người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Trước hướng mở của thị trường xuất khẩu, hiện ngành nông nghiệp cũng như các địa phương trồng khoai lang trong tỉnh và doanh nghiệp xuất khẩu đang xúc tiến những hoạt động chuẩn bị vùng nguyên liệu cũng như cơ sở đóng gói đạt yêu cầu để chuẩn bị cho các lô hàng khoai lang xuất khẩu chính ngạch.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra cơ sở đóng gói khoai lang của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa.
 
Huyện Lắk hiện có khoảng hơn 150 ha khoai lang vụ đông xuân 2022 - 2023 đang tiến hành làm hồ sơ cấp mã vùng trồng. Điều này cũng sẽ mở ra cho nông dân nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để xây dựng được mã vùng trồng thành công thì vai trò chính vẫn là người sản xuất (nông dân). Nghị định thư đã mở cửa chính thức nhưng kèm theo đó là đòi hỏi nông dân phải làm ăn nghiêm túc và bài bản để xây dựng các vùng nguyên liệu khoai lang quy mô lớn tại huyện Lắk thực sự có chất lượng và bền vững" .
 
Ông Nguyễn Viết Quang,Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho hay, hiện doanh nghiệp đang liên kết và xây dựng mã vùng trồng với nông dân, tổ hợp tác và HTX tại các huyện Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar, Lắk và Ea H’leo để thiết lập 12 mã vùng trồng, với hơn 1.000 ha. Hiện tại hồ sơ đã hoàn thiện, nộp cho cơ quan có thẩm quyền và đang chờ phê duyệt, cấp mã. “Mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu, mang lại sự ổn định đầu ra cho khoai lang và sản phẩm khoai lang Việt Nam. Từ đó, khoai lang sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ngoài việc hỗ trợ người trồng khoai lang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con nhằm bảo đảm lợi ích cho các hộ tham gia liên kết sản xuất”, ông Tùng nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho khoai lang hiện nay vì đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, giúp định hình các vùng sản xuất trọng yếu, đưa nông dân đến tiếp cận với sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập. Do đó, để khoai lang "rộng đường" sang thị trường Trung Quốc, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nước bạn đặt ra.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngay sau khi Bộ NN-PTNT thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Chi cục đã vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng. Hiện nay Chi cục đã thiết lập xong hồ sơ, đề xuất cấp mã vùng trồng cho 500 ha để kiểm tra trong thời gian tới. Đồng thời, đã có hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa; Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên) đã chuẩn bị xong hồ sơ để cấp mã cơ sở đóng gói. Hiện nay công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ còn chờ phía Hải quan Trung Quốc đánh giá và cấp mã để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu khoai lang theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.