Thị trường tín chỉ carbon rừng Việt Nam: Còn những khoảng trống về pháp lý
Với cơ chế dựa trên thị trường cho phép mua bán tín chỉ carbon được tạo ra từ các hoạt động quản lý và bảo tồn rừng, thị trường carbon (CO2) được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và là nguồn lực mới cho Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Thị trường mới nhiều tiềm năng
Đến hết năm 2022, Việt Nam có trên 14,7 triệu ha rừng, với tỷ lệ che phủ 42,02%, (gồm: rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha). Trong đó, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,94%.
Rừng Tây Nguyên được đánh giá có trữ lượng carbon lớn nhất cả nước (trong ảnh: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka của tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Vạn Tiếp |
Rừng Việt Nam nói chung và rừng Tây Nguyên nói riêng đang trở thành bể chứa carbon quan trọng, giúp cân bằng lượng phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo tính toán ban đầu, trữ lượng carbon rừng Việt Nam dao động từ khoảng 1 – 19 tấn/ha, cá biệt đến hơn 150 tấn/ha. Khu vực rừng lá rộng thường xanh giàu vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ có trữ lượng carbon cao nhất (hơn 150 tấn/ha). Theo đó, tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn, ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD (nếu tính theo giá hiện tại là 5 USD/tín chỉ). Điều này cho thấy Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đang có một nguồn tài nguyên mới rất giàu tiềm năng.
Hiện trên thế giới có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn carbon tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng Việt Nam, đã bước đầu tham gia thị trường carbon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải, trong đó có thể kể đến Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA vùng Bắc Trung Bộ) giai đoạn 2018 - 2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2020, với cam kết Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon cho WB, đơn giá 5 USD/tấn CO2, đạt tổng giá trị 51,5 triệu USD. Đây được xem là dấu mốc đưa carbon rừng Việt Nam tiến vào thị trường bắt buộc.
Ở thị trường tự nguyện, mặt hàng carbon rừng cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc dù mới ở giai đoạn thăm dò, nghiên cứu khả thi hoặc xây dựng đề án, dự án, nhưng chưa có chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng thành công. Riêng trong nước, theo lộ trình thì đến năm 2028 mới chính thức hình thành thị trường này.
Khi thị trường tín chỉ carbon rừng trong nước hoạt động sẽ là nguồn lực phục vụ cho hoạt động bảo vệ rừng ở Đắk Lắk. (Trong ảnh: Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra bảo vệ rừng). Ảnh: Vạn Tiếp |
Cần có công cụ pháp lý phù hợp
“Chính phủ cần ban hành bổ sung các quy định giao cho Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh về điều tra, đánh giá trữ lượng carbon rừng; phân vùng carbon rừng và lập bản đồ carbon rừng toàn quốc, trong đó xác định vùng giảm phát thải carbon từ rừng cho đóng góp của các quốc gia tự nguyện, vùng kinh doanh tín chỉ carbon rừng; bổ sung chỉ tiêu trữ lượng carbon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm…" - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên |
Thị trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng carbon từ các bể chứa carbon khác như đất than bùn và đất ngập nước. Hiện Việt Nam cũng đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Đặc biệt sau khi Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, cùng với Nghị định 06/2022/NĐ-CP, ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới mục tiêu đến sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025 và đến năm 2028 Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, mặc dù, nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp. Trước tiên cần quy định carbon là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt của rừng và gắn với quyền sở hữu. Trên cơ sở đó định hình thị trường carbon rừng tại Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại hóa carbon trong thời gian tới. Về quy định quản lý nhà nước đối với carbon rừng, cần bổ sung quy định carbon rừng là một trong các chỉ tiêu điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo giai đoạn, hằng năm.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc