Multimedia Đọc Báo in

Vì sao nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường?

07:58, 27/04/2023

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng thời gian qua, số DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh trên địa bàn tỉnh lại có dấu hiệu gia tăng.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều hơn thành lập mới

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2023, toàn tỉnh có 348 DN thành lập mới, bằng 20,8% kế hoạch, tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh có 11.084 DN đang hoạt động và 956 DN có trụ sở chính ở tỉnh ngoài đăng ký thành lập, hoạt động hình thức chi nhánh tại tỉnh, nâng tổng số DN còn hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 12.040 DN. Tuy nhiên, số lượng DN giải thể và tạm ngừng hoạt động trong quý tăng cao (có 37 DN giải thể, 390 DN tạm ngưng hoạt động), thậm chí cao hơn số DN thành lập mới đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Phú

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thời gian qua giá cả một số nguyên nhiên vật liệu, vật tư nông nghiệp tăng cao và thường xuyên biến động. Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do ngân hàng siết chặt quy mô tín dụng, tăng lãi suất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, DN mà còn kéo theo nguồn vốn huy động ngoài Nhà nước giảm 12,9%, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giảm 1% so với cùng kỳ và số DN tạm ngừng hoạt động tăng 6,4% so với cùng kỳ. Hơn nữa, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chính sách, nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn, một số nội dung chưa triển khai được hoặc có triển khai nhưng số lượng DN được nhận hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2022, Trung ương không bố trí kinh phí hỗ trợ, Bộ Tài chính chưa ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí. Mặt khác, hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của DN.

 

“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ đồng hành cùng DN bằng cách thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh để kịp thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu” - ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương.

Theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, ngoài những nguyên nhân kể trên còn bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại…; chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của DN tăng từ 5 – 10%.

Thêm một nguyên nhân nữa là do thời gian qua, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều biến động. Khi thị trường “nóng” lên vào đầu năm 2022, các DN bất động sản mọc lên như nấm, đến khi thị trường “đóng băng” từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, nhiều DN tham gia trong lĩnh vực này đã “ồ ạt” rút lui khỏi thị trường.

Để “vực dậy” doanh nghiệp

Để hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV vượt qua giai đoạn khó khăn, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2023 nhằm tập trung triển khai đa dạng hình thức hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về công nghệ, tư vấn, thông tin; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị DN; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN… Đặc biệt, DNNVV được hỗ trợ tiếp cận tín dụng và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển DN, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh hỗ trợ DNNVV theo quy định. Đồng thời phối hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại DN, nhà đầu tư và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn để thông tin kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đầu tư, kinh doanh; nắm bắt và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh (bên phải) hướng dẫn thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế cho doanh nghiệp.

Khảo sát từ phía DN cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực từ chính bản thân trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực quản trị nhằm tiết giảm chi phí sản xuất…, các DN mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần mở rộng hoặc nâng tần suất gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong thời gian tới. Đồng thời, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ DN, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng để thêm động lực giúp DN tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển hết hiệu lực. Đặc biệt, theo nhiều DN, hiện nay việc kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng với DN nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của DN trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp… là rất cần thiết. Cùng với đó là các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới sẽ là những giải pháp hay giúp DN có thể “vượt khó”.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.