Cá nuôi lồng bè chết trắng sông ở Krông Ana
Mấy ngày qua, nhiều người dân nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na (huyện Krông Ana) như "ngồi trên lửa" khi cá nuôi bị chết hàng loạt, gây nhiều thiệt hại.
Theo các hộ dân nuôi cá lồng bè nơi đây, khoảng 5 ngày trở lại đây, hiện tượng cá chết bất thường xảy ra với số lượng lớn hàng chục tấn mỗi ngày, hàng nghìn con cá chết thối rữa dày đặc trôi từ các bè nuôi dạt vào bờ, người dân liên tục vớt lên đổ bỏ mà vẫn không xuể. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hà có 29 lồng cá diêu hồng đến kỳ thu hoạch, giờ đành bất lực nhìn cá chết hàng loạt.
Ông Hà buồn bã: “Gia đình tôi đã huy động toàn bộ nhân lực để tập trung xử lý, chôn lấp cá chết, không vớt cá chết vứt ra vùng nước gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh cho người và cá nuôi còn sống trong lồng; dùng vôi, hóa chất khử trùng để xử lý, vệ sinh môi trường nước xung quanh khu vực lồng nuôi. Đồng thời, lắp đặt hệ thống quạt nước trong các lồng, bè để tăng lượng oxy cho cá. Tuy nhiên lượng cá chết vẫn tăng mỗi ngày. Quanh khu vực này có khoảng hơn 20 hộ nuôi cá lồng bè đều gặp tình cảnh tương tự. Bình quân mỗi ngày có hơn 10 tấn cá chết không rõ nguyên nhân. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chúng tôi sẽ bị thiệt hại rất nặng nề”.
Cá nuôi trong lồng bè của các hộ dân chết hàng loạt. |
Bà Nay H'Úy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho hay, ngay khi nắm thông tin cá nuôi lồng bè trên sông của các hộ dân ở địa phương chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra sơ bộ và làm việc trực tiếp với các hộ nuôi cá trên sông để xử lý số lượng cá chết theo quy định, tránh tình trạng đổ cá chết ra sông gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xã cũng cử người thường xuyên túc trực, nắm tình hình, thống kê thiệt hại của các hộ dân. Đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng về tình trạng hiện tại để kiểm tra, xác định nguyên nhân, hỗ trợ người nuôi cá triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại.
Thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, đơn vị đã phối hợp thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường tại khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè tại địa phương. Kết quả quan trắc nguồn nước đầu dòng cho thấy có 14/16 thông số nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP); 2/16 thông số nằm ngoài ngưỡng GHCP. Cụ thể, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng TSS đạt 98,1 mg/l, vượt ngưỡng so với GHCP 20 mg/l, cao gấp 4,9 lần GHCP; hàm lượng phốt phát đạt 0,25 mg/l, vượt ngưỡng so với GHCP >= 0,1 mg/l, cao hơn 2,5 lần GHCP.
Bên cạnh đó, nguồn nước đầu dòng còn xuất hiện tảo độc Ceralium sp với mật độ 1.000 tế bào/lít, tảo này có nguy cơ bám vào mang cá, gây hiện tượng nghẽn mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp khiến cá chết do ngộp thở.
Chủ các bè cá lo lắng khi cá chết bất thường gây thiệt hại về kinh tế. |
Kết quả kiểm tra nước lồng nuôi cũng cho thấy có 3/12 thông số nằm ngoài ngưỡng GHCP. Trong đó hàm lượng phốt phát cao hơn 2,4 lần GHCP; hàm lượng COD cao gấp 1,88 lần GHCP; hàm lượng Tổng chất rắn lơ lửng TSS cao gấp 4 lần GHCP. Điều này báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ không an toàn, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi. Vì vậy, các hộ nuôi cá cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải, thực hiện các biện pháp phòng bệnh và quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới.
Phòng NN-PTNT huyện cũng khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng bè ở địa phương cần chú trọng khử trùng lồng bè trước khi nuôi; thả nuôi mật độ thích hợp với từng đối tượng nuôi; sử dụng thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cá; định kỳ bổ sung vitamin C tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi; vệ sinh lưới lồng nuôi, tạo dòng chảy thông thoáng đảm bảo hàm lượng oxy trong nước.
Chủ các bè có cá chết cần vệ sinh khu vực nuôi, thu gom cá chết ra khỏi khu vực nuôi để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa và đặc biệt về ban đêm cần sục khí liên tục cung cấp thêm oxy cho bè nuôi; theo dõi tốc độ sinh trưởng và dấu hiệu bệnh lý trên thủy sản nuôi; báo cáo, phối hợp với cán bộ quản lý chuyên môn xử lý khi thủy sản nuôi có dấu hiệu phát sinh bệnh, dịch bệnh.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc