Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất nhà nước mua lại Trạm thu phí BOT Quang Đức 745 tỷ đồng

18:10, 17/05/2023

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có kiến nghị Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn tại 8 dự án BOT hạ tầng giao thông do Bộ quản lý.

Trong đó, Bộ kiến nghị Chính phủ bố trí 10.342 tỷ đồng mua lại 5 dự án BOT và mua một phần của 3 dự án đang gặp vướng mắc, thua lỗ.

Cụ thể, 5 dự án được đề xuất mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (TP. Cần Thơ) với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (BOT Quang Đức) 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.

Trạm thu phí BOT Quang Đức trên đường Hồ Chí Minh.
Trạm thu phí BOT Quang Đức trên đường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, 3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là Dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.

Được biết, Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Km1738+148 - Km1763+610) đoạn qua thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, do liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty Cổ phần Đông Hưng Gia Lai, Công ty Cổ phần thủy điện Sê San 4A thực hiện. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7/2015, thực hiện thu phí từ tháng 11/2015. Tuy nhiên, sau khi tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đưa vào khai thác, sử dụng, hầu hết phương tiện thuộc diện nộp phí đều đi theo tuyến tránh này, dẫn đến việc thu hồi vốn của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.