Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Cẩn trọng với “giặc lửa" tấn công rừng

07:58, 08/05/2023

Huyện biên giới Ea Súp có gần 147.512 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, nằm trong khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng trên địa bàn huyện đặc biệt chú trọng.

Ở huyện Ea Súp có ba khu vực trọng điểm cháy rừng. Cụ thể, khu vực 1 có diện tích 32.516 ha thuộc các xã Ia Jlơi, Ia Lốp, Ea Rốc và Cư Kbang; khu vực 2 diện tích 30.192 ha thuộc các xã Ia R'vê, Ea Bung và Ya Tờ Mốt; khu vực 3 diện tích 9.900 ha thuộc xã Ea Lê, Cư Mlan và thị trấn Ea Súp. Vào mùa khô, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về PCCCR; kiểm tra, giám sát việc triển khai các phương án PCCCR; đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị liên quan phải tổ chức trực ban, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh về cháy rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại một chủ rừng trên địa bàn xã Ia Jlơi.

Huyện Ea Súp đã yêu cầu các chủ rừng xây dựng, thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR; thành lập, quản lý hoạt động của các đội PCCCR và bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện cũng như những điều kiện khác để duy trì hoạt động của các đội này. Thực tế thì các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện cũng đã chú trọng thực hiện những giải pháp PCCCR. Đơn cử như Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa - Đắk Lắk được giao quản lý hơn 20.508 ha rừng tại các xã Ia Jlơi và Ia Lốp. Phần lớn diện tích rừng đơn vị quản lý là rừng tự nhiên rụng lá, rừng tự nhiên nửa rụng lá và rừng trồng nên lượng thực bì, vật liệu cháy nhiều, rất dễ xảy ra cháy lan. Ông Đinh Thanh Quyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa - Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu mùa khô, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức bảo vệ rừng thì công ty tập trung tuần tra rừng, triển khai các phương án PCCCR, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ, nhân lực, hậu cần theo phương châm phòng cháy hơn chữa cháy.

Tương tự, Công ty TNHH Phan Hồng có hơn 535 ha rừng tại các tiểu khu 228, 243, 244 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp). Phần lớn diện tích rừng trên lâm phần quản lý của đơn vị là rừng tự nhiên rụng lá, rừng tự nhiên nửa rụng lá và rừng trồng, thực bì nhiều. Bên cạnh đó, rừng tiếp giáp với khu vực đất sản xuất, sau khi thu hoạch, người dân thường đốt rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, phát dọn nương rẫy nên nguy cơ cháy cao. Chưa kể, một số người dân vào rừng chặt cây, sử dụng lửa đốt ong bừa bãi cũng dễ đe dọa đến rừng. Vào đầu mùa khô, công ty đã tiến hành phát dọn thực bì, vật liệu cháy, khoanh vùng đốt non có kiểm soát. Vào thời kỳ cao điểm, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, trực PCCCR để kịp thời phát hiện và dập tắt các đám cháy; triển khai phương án phối hợp giữa công ty với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã và chủ rừng lân cận nhằm xử lý kịp thời mọi tình huống; tuyên truyền người dân không được chặt phá rừng và không mang lửa, vật liệu dễ cháy vào rừng.

Nhân viên Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa - Đắk Lắk phát dọn tạo đường băng cản lửa.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết, trước mùa khô, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra PCCCR của các chủ rừng, dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền cấp xã tổ chức họp dân, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, trên cơ sở phương án PCCCR của chủ rừng đã được phê duyệt, Hạt Kiểm lâm sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị. Nhờ đó, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào đáng kể, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.