Multimedia Đọc Báo in

Cao điểm phòng, chống cháy rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

08:35, 14/02/2022

Những ngày này, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn và các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng đang tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô.

Bên cạnh yếu tố thời tiết thì nguyên nhân chủ quan làm gia tăng nguy cơ cháy rừng là do bất cẩn của con người. Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn Nguyễn Hữu Tạo, để làm tốt công tác PCCCR, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và lực lượng đảm bảo luôn sẵn sàng triển khai chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra. Vườn cũng tăng cường, bố trí thêm lực lượng, ứng trực 24/24 giờ mỗi ngày, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm PCCCR theo quy định; phát dọn thực bì, phát quang rừng, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ cháy cao; tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR cho người dân các thôn, buôn trên địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đốt thực bì phòng cháy rừng.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tạo thêm sinh kế cho người dân vùng đệm, những năm qua, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã triển khai tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 17.500 ha cho 23.000 hộ ở 19 thôn, buôn thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Đây là một trong những chính sách nhận được sự tham gia tích cực của nhân dân vùng đệm.

 

Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115.000 ha. Đây là vườn quốc gia duy nhất ở nước ta còn bảo tồn được hệ sinh thái rừng cây lá rộng rụng lá vào mùa khô, còn gọi là rừng khộp. Dưới những tán cây cổ thụ ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, thảm thực bì với nhiều tầng lá rụng trên các đám cỏ le, cỏ tranh, bụi lồ ô… đã khô xác, được đánh giá là có nguy cơ cháy cao nhất khi thời tiết hanh khô.

Những ngày này, gia đình bà H’Khưa H’Dơk ở buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng với 19 hộ trong buôn nhận khoán bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Yok Đôn đang tích cực triển khai các biện pháp PCCCR. Các hộ nhận khoán chia thành 5 tổ, phối hợp với lực lượng kiểm lâm của Vườn đến từng hộ dân trong buôn tuyên truyền, vận động bà con không đốt nương làm rẫy hay lấn chiếm đất rừng, gây cháy rừng. Các khu vực dễ cháy thì tổ chức thu dọn thực bì, chuẩn bị các phương án dập lửa nếu có tình huống xấu xảy ra.

Theo ông Y Koan Aroh (Trưởng buôn Ea Pri, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) toàn buôn có 46 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn với diện tích gần 3.000 ha. Bên cạnh việc trực tiếp tham gia tuần tra bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán còn là lực lượng xung kích trong PCCCR vào mùa khô mỗi năm. Đặc biệt, với trách nhiệm của người dân nhận khoán bảo vệ rừng, bà con cũng thay đổi cách “ứng xử” với hệ sinh thái rừng, tình trạng sống dựa vào rừng, khai thác tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm hẳn.

Các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng đốt cỏ non có kiểm soát, tạo đường băng cản lửa

Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn chia sẻ: Sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các hộ nhận khoán đã góp phần bảo đảm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong nhiều năm trở lại đây, Vườn Quốc gia Yok Đôn không xảy ra vụ cháy rừng lớn nào. Mùa khô này, Vườn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các phương án phòng cháy, phát dọn trên 120 km đường băng cản lửa; đóng hàng trăm biển cảnh báo; thành lập 17 đội xung kích thực hiện nhiệm vụ theo dõi, ứng trực, tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ rừng. Ngoài ra, Vườn cũng tổ chức tuyên truyền cho trên 4.000 lượt người dân và 5 trường học trong vùng về công tác bảo vệ, PCCCR. Phối hợp với UBND 7 xã vùng đệm triển khai quy chế phối hợp tổ chức tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.