Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nhãn hiệu tập thể cho nông sản hàng hóa ở huyện Krông Ana: Vẫn còn nhiều “rào cản”

08:03, 04/05/2023

Khi nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, “Nấm Krông Ana” được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận, đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Là đơn vị đầu tiên đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) đã liên kết với người dân trên địa bàn xã Bình Hòa sản xuất 356 ha lúa nước, trồng các giống lúa ST24, ST25 và Đài Thơm 8.

Trước đây, HTX chủ yếu sản xuất và bán lúa tươi cho các thương lái, từ năm 2019, HTX đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, máy móc xay xát gạo hơn 800 triệu đồng phục vụ sản xuất, với công suất đạt khoảng 150 tấn lúa/năm. Ngoài việc duy trì phát triển 3 ha lúa hữu cơ, HTX còn được Phòng NN-PTNN huyện hỗ trợ thực hiện mô hình VietGAP cho 15 ha lúa đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Quy trình này giúp nông dân tiết kiệm phân bón, giống, năng suất lại cao, hướng đến sản xuất lúa bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn gạo nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” theo quy trình trồng hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (bên phải) hướng dẫn người dân sản xuất lúa hữu cơ.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, do nội lực còn hạn chế nên việc quảng bá chưa hiệu quả, nguồn vốn lưu động thấp, do vậy việc thu mua và tiêu thụ gạo cho người dân chưa được như kỳ vọng. Thêm vào đó, sản xuất lúa hữu cơ được chăm sóc kỳ công và năng suất chỉ đạt 75 – 80% so với sản xuất lúa thông thường nên giá thành cao hơn so với các loại gạo khác, khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường. Hiện HTX chỉ thu mua, tiêu thụ được khoảng 10% trên tổng diện tích liên kết cho người dân. Đã có đơn vị ở TP. Nha Trang đặt vấn đề tiêu thụ 500 tấn/tháng, tuy nhiên HTX chưa đủ “sức” để đáp ứng nhu cầu.

Không chỉ sản phẩm gạo, mà việc phát triển nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, mở rộng sản xuất. Trên địa bàn huyện còn có hơn 200 hộ dân, HTX đang phát triển các loại nấm. Trong đó, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thi (tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp) đang sử dụng nhãn hiệu “Nấm Krông Ana”. Bà Thi chia sẻ, năm 2022, gia đình bà đã đăng ký sử dụng nhãn hiệu và được ban, ngành hỗ trợ nâng cao kiến thức từ các lớp tập huấn, đào tạo xây dựng nhãn hiệu; hoàn chỉnh các thủ tục để cấp phép, sử dụng nhãn hiệu, bao bì... Có nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm nấm linh chi chủng DT của gia đình cũng được khách hàng tin dùng, yên tâm hơn bởi chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của bà Thi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Bà Thi chia sẻ, được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện, gia đình cũng tích cực trưng bày, chào hàng ở các siêu thị TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… nhưng không cạnh tranh được về giá so với sản phẩm nấm hồng chi ở Đà Lạt. Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở sản xuất còn nhỏ (với hai trại trồng 180 m2, một nhà sơ chế) nên chi phí đầu vào cao.

Kiểm tra quá trình phát triển của nấm tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Krông Ana.

Ông Trần Phước Ku Ba, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana cho hay, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển hữu cơ bền vững, nhằm nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nấm, gạo. Huyện đã đầu tư xây dựng các trang web, kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn thanh toán hóa đơn điện tử… Tuy nhiên, do năng lực hạn chế và thiếu nguồn nhân lực nên việc tiếp cận sàn thương mại điện tử của các HTX, hộ kinh doanh chưa hiệu quả và không mấy mặn mà với các kênh phân phối này. Đây cũng là bất lợi đối với việc phát triển sản xuất, thương hiệu trong thời đại số. Bên cạnh đó, sản phẩm địa phương có chất lượng tốt nhưng giá thành hơi cao, nên việc cạnh tranh, tiêu thụ gặp khó khăn. Các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể của huyện đang còn phát triển nhỏ lẻ, sản lượng tiêu thụ không nhiều, chưa phát huy hết tiềm năng của địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.