Tăng giá bán lẻ điện: Mức tăng vừa phải, người dân vẫn lo
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là hơn 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ ngày 4/5/2023.
Trước đó, EVN đã đề xuất mức tăng khá cao để bù đắp chi phí sản xuất điện tăng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chỉ cho phép tăng với mức 3% để không gây tác động xấu cho nền kinh tế, không thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Mức tăng không cao?
Theo biểu giá của ngành điện, giá bán lẻ cho các ngành sản xuất cấp điện áp từ 110 kV trở lên dao động từ 999 - 2.844 đồng/kWh phụ thuộc vào giờ thấp điểm hay cao điểm; cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV dao động từ 1.037 - 2.595 đồng/kWh; cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV từ 1.075 - 3.055 đồng/kWh; cấp điện áp dưới 6 kV từ 1.133 - 3.171 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh cũng được chia thành ba cấp điện áp: từ 22 kV trở lên; từ 6 kV đến dưới 22 kV và dưới 6 kV, với các mức giá trong giờ bình thường, giờ thấp điểm và giờ cao điểm. Giá bán lẻ điện cho các bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, với cấp điện áp từ 6 kV trở lên là 1.690 đồng/kWh; cấp điện áp dưới 6 kV là 1.805 đồng/kWh. Giá điện chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp được bán tương ứng với giá 1.690 đồng/kWh và 1.805 đồng/kWh với hai cấp điện áp nêu trên.
Công nhân điện lực Nam Buôn Ma Thuột kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện. |
Đối với điện sinh hoạt, giá bán lẻ được chia thành 6 bậc thang. Cụ thể từ 0 - 50 kWh giá bán 1.728 đồng/kWh; từ 51 - 100 kWh giá bán 1.786 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh giá bán 2.074 đồng/kWh; từ 201 - 300 kWh giá bán 2.612 đồng/kWh; từ 301 - 400 kWh giá bán 2.919 đồng/kWh và từ kWh thứ 401 trở lên giá bán 3.015 đồng/kWh.
Quan điểm của Chính phủ, Bộ Công Thương là tăng giá điện ở mức độ vừa phải để không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, theo tính toán của các chuyên gia, với mức tăng này thì số tiền điện tăng thêm là không nhiều. Cụ thể, hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng sẽ tăng 2.500 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng tăng 5.100 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng tăng 11.100 đồng/hộ (đây là nhóm khách hàng sử dụng điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành điện với 36,01%); hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng tăng 18.700 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng tăng 27.200 đồng/hộ.
Đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng trả 5,3 triệu đồng/hộ tiền điện, sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/hộ. Hộ sử dụng điện cho sản xuất, bình quân mỗi tháng trả 10,6 triệu đồng/hộ, với giá mới sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng. Với khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng với khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng, sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm 40.000 đồng.
Chi phí sinh hoạt, sản xuất tăng theo
Với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, giá điện mới tăng ở mức không quá cao. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng: thời điểm này đang cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất lớn nên chi phí tiền điện của gia đình sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết, từ nhiều tháng nay tại địa phương không có mưa, nhiều loại cây cần được tưới nước liên tục nên tiền điện mỗi tháng cũng tăng. Theo ông Thạnh, mỗi tháng gia đình ông chi trả khoảng 2 triệu đồng tiền điện, bao gồm điện sinh hoạt và tưới cho 1,5 ha tiêu. “Tôi thấy giá điện tăng trong mùa nắng nóng này là không hợp lý, bởi đây là thời điểm nhu cầu dùng điện của người dân tăng cao, cây trồng phải tưới nhiều nước để giữ ẩm. Hiện không chỉ có tiền điện, tiền phân bón, các loại vật tư nông nghiệp đều tăng mà giá cả nông sản thì bấp bênh khiến nông dân rất khó khăn”, ông Thạnh nói.
Áp lực giá điện sinh hoạt tăng, người dân càng phải cân nhắc khi mua sắm các thiết bị điện lạnh. Ảnh: Đỗ Lan |
Tương tự, anh Phan Thanh Long (thôn Xuân Hà 2, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) cũng cho rằng, hiện nay nhiều người dân đã chuyển sang tưới bằng điện, việc giá điện tăng sẽ khiến cho đa phần người dân rơi vào tình trạng tăng chi phí đầu tư, nhưng không có hiệu quả khi mà giá nông sản "phập phù".
Thông thường, những tháng nắng nóng, tiền điện sẽ tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp hai lần. Đây là điều người dân lo lắng, bởi đang là mùa khô, lượng điện tiêu thụ nhiều, cộng thêm tăng giá sẽ khiến chi phí của gia đình tăng lên. Chị Trần Thị Mỹ Anh (khối 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mỗi tháng gia đình chị phải trả khoảng 570.000 - 650.000 đồng tiền điện. Tuy nhiên, mùa nắng nóng thì tiền điện tăng vọt, đơn cử như tháng 4/2023, hóa đơn tiền điện hơn 1,4 triệu đồng và sau khi tăng giá điện, chắc chắn số tiền sẽ nhiều hơn. “Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhu cầu dùng điện cao, nhất là mùa khô. Việc tăng giá điện trong thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và kinh tế của gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác”, chị Mỹ Anh chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Thị Minh Huệ (đường Siu Bleh, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, tiền điện của gia đình chị trung bình trên dưới 350.000 đồng/tháng. Vừa rồi, chị phải lắp đặt máy điều hòa trong phòng ngủ, lượng điện sử dụng sắp tới sẽ tăng lên kéo theo tiền điện tăng. Mới vừa tăng giá nước sinh hoạt, giờ thêm tăng giá điện, áp lực chi tiêu sinh hoạt của gia đình sẽ lớn hơn.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng đang lo lắng, một số người lợi dụng việc giá điện tăng để tăng giá các mặt hàng bán ở thị trường, nhất là các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần giám sát tốt thị trường để kiểm soát lạm phát và không làm gia tăng gánh nặng chi tiêu cho người dân.
Không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, mỗi kWh điện tăng thêm gần 56 đồng, tương đương mức tăng 3% thật ra là không quá nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến giảm lợi nhuận. Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chi phí đầu vào đều tăng, một số ngành hàng gặp khó về thị trường tiêu thụ, trong khi giá xuất khẩu vẫn không tăng, hiện nay lại tăng giá điện thì doanh nghiệp sẽ thêm gánh nặng. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành thép hiện nay là thị trường tiêu thụ ế ẩm. Việc tăng giá điện sẽ kéo theo việc gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm này, doanh nghiệp sản xuất không nhiều nên không quan tâm lắm đến việc tăng giá điện. Tác động về lâu dài của việc này thì chưa đánh giá được vì tùy thuộc vào tình hình hoạt động thực tế trong thời gian tới. Tương tự, theo đại diện Nhà máy Bia Sài Gòn – Đắk Lắk, việc tăng khoảng 3% giá điện tác động không nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. |
Minh Chi – Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc