Multimedia Đọc Báo in

Vì một thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột

14:28, 23/05/2023

Còn nhớ trong đêm khai mạc Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất (2/12/2005), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong công bố quyết định ghi vào sổ đăng ký quốc gia về việc bảo hộ xuất xứ hàng hóa cho cà phê Buôn Ma Thuột được xem là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của lịch sử ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung.

Từ đây, đặc sản này chính thức trở thành thương hiệu, tự tin bước ra thị trường trong nước và quốc tế để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại.

Từ băn khoăn…

Đã có thương hiệu rồi thì cà phê Buôn Ma Thuột phải làm gì để khai thác tốt những lợi ích mà thương hiệu mang lại? Nhiều người lo ngại sẽ có “làn sóng” đầu tư ồ ạt mở rộng sản xuất và tăng nhanh sản lượng cà phê ở đây bằng mọi giá tại những vùng được xác định chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng chiến lược này. Nếu thực tế điều đó xảy ra thì liệu có quy trình kiểm soát chặt chẽ nào nhằm giải tỏa về sự lo ngại trên để đảm bảo cho thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột phát huy một cách lâu dài và bền vững? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng và thực hiện quy trình này còn khó hơn cả việc lập các thủ tục để được công nhận bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn có không ít người lạc quan nhìn nhận: không phải không làm được điều đó, nếu như có sự đồng thuận từ người nông dân trực tiếp sản xuất đến doanh nghiệp kinh doanh cà phê; từ hội đồng điều hành ngành hàng này đến các cấp chính quyền sở tại cũng như các ban, ngành liên quan.

Du khách Nhật Bản tham quan, trải nghiệm vùng cà phê được chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Vậy thử nhìn lại việc khai thác, phát huy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trong gần 20 năm qua như thế nào, hay nói đúng hơn là xem cung cách “hành xử với cà phê” ở đây ra sao, khi mặt hàng nông sản ấy được xác định là thế mạnh trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Lắk.

Hãy bắt đầu từ chủ trương, chính sách “liên kết 4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) để nhận diện một cách xác đáng về quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trong thời gian qua. Có thể thấy sau  Festival Cà phê Buôn Ma Thuột nói trên, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch và giải pháp ổn định diện tích cà phê ở đây khoảng 180.000 ha (với những điều kiện bắt buộc như bảo đảm nguồn nước tưới; giống cây trồng cho năng suất cao; hạ tầng cơ sở, kỹ thuật phục vụ sản xuất đồng bộ; dự báo nhanh nhạy, chính xác thông tin thị trường mua bán nội địa và xuất khẩu). Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đánh giá: Động thái này được xem là cơ sở ban đầu đặt nền móng cho ngành hàng quan trọng và chiến lược này từng bước gia tăng chuỗi giá trị của cà phê - và hơn thế còn mở ra hướng liên kết, tích hợp nhiều yếu tố cần thiết để các nhà khoa học, doanh nghiệp vào cuộc, cùng với nhà nông (người trực tiếp sản xuất cà phê) “bắt tay” nhau thúc đẩy quá trình gầy dựng và phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. 

Đến kỳ vọng

Từ bước đi có tính chất “bàn đạp” ấy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê ở đây bắt đầu hướng tới tiêu chí cốt lõi nhất là chất lượng đi cùng sự bền vững cho mặt hàng chiến lược này. Đề án “Phát triển cà phê bền vững của Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trực tiếp kêu gọi đầu tư, chia sẻ từ nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tìm đến giúp đỡ, hợp tác vì mục tiêu trên. Bắt đầu từ năm 2010, một số bộ tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh cà phê sạch, an toàn và chất lượng được triển khai áp dụng trên địa bàn Đắk Lắk, tiêu biểu như: UTZ, 4C, Europ Gap… được người sản xuất và các nhà chế biến, xuất khẩu đón nhận, nghiêm túc thực thi nhằm thúc đẩy tính bền vững, chất lượng của chuỗi giá trị Cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó lan tỏa mạnh mẽ và uy tín thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường tiêu dùng quốc tế.

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hữu Hùng
 

Phải tích hợp yếu tố văn hóa vào sản xuất, kinh doanh để cộng hưởng và mở rộng biên độ lan tỏa giá trị cà phê - từ người nông dân trực tiếp sản xuất đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà phân phối, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu… Tất cả kết nối lại thành một hình ảnh ấn tượng, đầy thiện cảm để đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt đi xa hơn”.

(Góp ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023) 

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, điều quan trọng nhất trong quá trình khẳng định thương hiệu của mình - đó là bên cạnh những “cú hích” được tác động tích cực từ bên ngoài vào, thì bên trong (nội lực) của người trực tiếp sản xuất cà phê ở đây đã chứng tỏ mức độ quyết tâm đưa hương vị Cà phê Buôn Ma Thuột đi xa hơn bằng nhận thức, hành động thức thời và cụ thể: Liên kết nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất xuất cà phê sạch, cà phê đặc sản theo bộ tiêu chuẩn/ tiêu chí đặt ra của các cơ quan, tổ chức quốc tế nêu trên (từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến… đến việc bảo vệ môi trường, sinh thái liên quan mật thiết với cây cà phê); đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và an toàn; đồng hành cùng doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường theo phương thức ký hết hợp đồng mua bán trực tiếp, từng bước hạn chế khâu trung gian như trước.

Chuyển biến và đa chiều thương hiệu

Ông Trịnh Đức Minh cho biết, đến nay có khoảng trên dưới 10.000 nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích khoảng 15.000 ha (sản lượng bình quân 45.000 tấn/niên vụ) là nỗ lực - hay nói đúng hơn là nhận thức, thái độ đáng ghi nhận từ người trồng cà phê ở đây; từ đó tạo ra chuyển dịch/chuyển biến xã hội hết sức tích cực trước sứ mệnh phát huy và khẳng định vị thế thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trên bản đồ cà phê thế giới. Có thể nói, nhìn vào thực tế lạc quan đó, những “băn khoăn” trước đây về tương lai của ngành hàng này đã được giải tỏa và thuyết phục bằng nhiều giải pháp, quy trình kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhằm đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột lớn mạnh và ngày càng vươn xa hơn.

Hơn thế, từ khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức (định kỳ 2 năm/lần) thì thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột còn lan tỏa vô cùng sinh động dưới góc độ mới: Văn hóa cà phê ngay tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng rõ nét hơn. Ở góc độ mới này, nhiều ngành nghề khác (văn hóa, du lịch - dịch vụ) cùng tham gia dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành hướng đi tích hợp đa giá trị dựa trên cơ sở kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển và ý tưởng sáng tạo từ các sản phẩm cà phê. Qua đó nâng cao thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột không những ở tầm mức giá trị kinh tế đơn thuần mang lại, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá “dư địa chí” này một cách đầy đủ, toàn vẹn và ý nghĩa hơn trên các mặt văn hóa và nhân văn sâu đậm.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc