Multimedia Đọc Báo in

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chương trình mục tiêu quốc gia

18:57, 13/06/2023

Chiều 13/6, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Đắk Lắk".

Về phía tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì buổi làm việc; tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của tỉnh.

ảnh
Ông Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh cho biết, sau hai năm (2021 – 2022) triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Đắk Lắk đã triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 79 xã đạt 19 tiêu chí; 17 xã đạt 15 – 18 tiêu chí; 49 xã đạt 10 – 14 tiêu chí; 7 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 11% (54.689 hộ), giảm gần 1,9% (8.953 hộ) so với cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn hơn 39% (15.488 hộ), giảm gần 5,7% (vượt chỉ tiêu đề ra là giảm 4 – 5%).

ảnh
Quang cảnh buổi làm việc

Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hơn 23% (35.982 hộ), giảm gần 3,7% (5.533 hộ) so với cuối năm 2021…

Tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Lắk từ năm 2021 – 2023 là trên 3,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: Chương trình xây dựng NTM trên 1 nghìn tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững gần 700 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,6 nghìn tỷ đồng.

ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu ý kiến.

Tại buổi làm việc, thành viên Tổ công tác, lãnh đạo UBND tỉnh và một số thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai những dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình MTQG, như: văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình chưa kịp thời, nguồn kinh phí thực hiện các chương trình được phân bổ còn chậm nên việc triển khai thực hiện những dự án, mô hình không đạt tiến độ kế hoạch đề ra; việc thiếu cán bộ chuyên trách, sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ và một số quy định của các chính sách chưa phù hợp với thực tiễn của Đắk Lắk dẫn đến khó triển khai các chương trình MTQG hiệu quả..

Thay mặt Tổ công tác, đồng chí Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện các chương trình MTQG. Đồng thời, Tổ công tác đã ghi nhận những kiến nghị, khó khăn của địa phương để tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời. Tổ công tác cũng đề nghị Đắk Lắk cần phân tích, làm rõ thêm những nguyên nhân khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian tới.

ảnh
Tổ công tác đi khảo sát thực tế về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cư Prao, huyện M’Drắk.

Trước đó, Tổ công tác đã đi khảo sát thực tế và làm việc với huyện M’Drắk, Sở NN-PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc về việc triển khai các chương trình MTQG.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.