Dấu hiệu tích cực từ lãi suất ngân hàng
Sau những động thái liên tục, mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất huy động và cho vay.
Vừa qua, NHNN đã ban hành các quyết định điều hành lãi suất. Cụ thể là Quyết định số 950/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Đặc biệt là Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN, ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ ngày 25/5 chỉ được tối đa 5%/năm, những kỳ hạn khác cũng phải giảm theo.
Nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) Chi nhánh huyện Krông Pắc hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: M.Thông |
Đây là lần thứ ba NHNN hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau động thái của NHNN, nhiều TCTD đã thực hiện giảm lãi suất huy động, với mức giảm khá lớn. Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có mức lãi suất huy động từ 7,2%/năm với thời hạn 12 tháng, nay đã giảm còn 6,8%/năm. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ nguyên mức lãi suất huy động là 6,8%/năm với thời hạn 12 tháng trở lên. Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) giảm mức lãi suất huy động xuống 6,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 6,6% với kỳ hạn 24 tháng.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) công bố bảng lãi suất mới áp dụng từ ngày 25/5 với mức lãi suất áp dụng trên kênh online là 8,3% cho 12 tháng và 8,5% cho thời hạn 24 tháng. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) có mức lãi suất giảm xuống còn 7,1%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất này giảm 0,7% so với mức lãi suất gần đây được công bố...
Bên cạnh giảm lãi suất huy động, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng đã có nhiều thay đổi. Lãi suất các khoản vay thế chấp tại Vietcombank dao động từ 5 - 7,5%/năm, trong đó lãi suất gói vay xây nhà, sửa nhà thấp nhất là 5%/năm. Tại VietinBank, lãi suất các gói vay dao động từ 7,5 - 8,5%/năm, với thời gian vay 12 tháng. Tại Agribank, các gói vay dao động từ 6 - 11%/năm, trong đó gói vay du học có lãi suất cao nhất là 11%/năm. Tại BIDV, lãi suất dao động từ 6 - 7,3%/năm, trong đó gói vay kinh doanh được ưu đãi mức lãi suất 6%/năm tính theo dư nợ giảm dần, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên…
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, một số ngân hàng đang tích cực triển khai các gói vay ưu đãi cho cá nhân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tung gói ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân (áp dụng đến hết ngày 31/12/2023). Agribank có gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, với quy mô 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD (kéo dài đến hết ngày 30/6). VietinBank triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm áp dụng với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng (kéo dài đến hết ngày 30/6). BIDV đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội với quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất áp dụng từ 8,2%/năm (bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2023)...
Người dân giao dịch tại Phòng giao dịch Agribank huyện Lắk. Ảnh: M.Thông |
Có thể thấy, việc lãi suất cho vay giảm, các gói vay ưu đãi được triển khai đã khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân phấn khởi khi có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn hợp lý. Theo ông Thái Văn Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa Truyền thông & VN Media (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), hiện tại các doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nguồn vốn chủ sở hữu bị thâm hụt nặng nề. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách dễ dàng, với lãi suất ưu đãi hơn. Ông Vũ nói: “Hiện nay với lãi suất có phần giảm so với năm 2022, chúng tôi nghĩ đây là một động lực để các doanh nghiệp sau tái cấu trúc sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất nhằm tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ các cơ chế cho vay cũng cần linh hoạt hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận đơn giản hơn”.
Không chỉ doanh nghiệp lớn, những người dân đầu tư nhỏ lẻ cũng phấn khởi trước những tín hiệu tích cực từ lãi suất ngân hàng hiện nay. Bà Nguyễn Hồng Nguyên (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ đầu năm 2022, giữa cơn “bão đất” bà cũng vay ngân hàng 2 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần, với lãi suất 9,4%/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, lãi suất bất ngờ tăng mạnh lên 12%/năm. Mới đây, bà vừa đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi hơn khiến bà yên tâm phần nào. “Từ tháng 10/2022, mỗi tháng tôi đều phải trả tiền lãi ngân hàng gần 20 triệu đồng. Mới đây, vừa đáo hạn ngân hàng, lãi suất đã có phần giảm, tôi và gia đình cũng có phần “dễ thở” hơn”, bà Nguyên chia sẻ..
Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc