Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Trong những năm qua, huyện Ea Kar đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Liên kết trong kinh tế hợp tác
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (thôn 10, xã Ea Đar) hiện đang liên kết với 200 hộ dân trồng ca cao trên địa bàn huyện với tổng diện tích 100 ha. Khi tham gia liên kết, các thành viên của HTX được cung ứng nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng với giá cả hợp lý; được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch… giúp việc canh tác cây ca cao đạt năng suất và chất lượng cao.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (thôn 10, xã Ea Đar) liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao với người dân trên địa bàn huyện. |
HTX cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Theo bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm, HTX hiện đang được nhiều công ty nước ngoài chuyên sản xuất sô cô la tìm đến đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn hạt ca cao ướt và hạt ca cao khô lên men; giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Cùng với việc sản xuất hạt ca cao, HTX cũng đã tận dụng lượng nước ép từ hạt ca cao để tạo ra sản phẩm mới là ca cao lên men, với sản lượng 10.000 lít/năm. Đến nay, sản phẩm ca cao lên men của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện Ea Kar đặt mục tiêu xây dựng và phát triển 9 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 9 sản phẩm chủ lực, gồm: lúa gạo, vải thiều, nhãn, mít, gà thịt, trứng gà, thủy sản, heo rừng lai, bò thịt và các loại rau. |
Tương tự, HTX Dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar (thôn 3, xã Ea Sar) đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 19 hộ chăn nuôi heo rừng lai trên địa bàn xã, với tổng đàn khoảng 400 con. HTX đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các quán ăn, nhà hàng, khu du lịch và cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh cùng các tỉnh thành khác như Khánh Hòa, Hà Nội, Hải Dương… với giá bán ổn định là 100.000 đồng/kg (giá heo hơi). Trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 400 kg thịt heo thương phẩm.
Để nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt heo rừng lai Ea Sar trên thị trường, HTX đã tạo điều kiện cho các hộ tham gia tập huấn, học nghề chăn nuôi heo để áp dụng vào thực tế chăn nuôi, hướng người dân nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP… Bà Trần Thị Hiển (thôn 3) liên kết nuôi heo rừng lai với HTX cho biết, việc liên kết giúp nông dân yên tâm chăn nuôi, không phải lo đầu ra. Khi heo đến đợt xuất chuồng, HTX sẽ vào tận nơi thu mua.
Ngoài ra, có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa ST24, ST25 giữa Công ty TNHH MTV Cà phê 721 với các hộ dân trồng lúa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Quang Minh với Tổ hợp tác Đồng Tiến Phát; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai lang giữa Công ty Cổ phần TMDV Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên với HTX Nông nghiệp 714… cũng đang mang lại hiệu quả cao cho các bên tham gia.
Trợ lực từ địa phương
Bên cạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện Ea Kar cũng đã tập trung xây dựng và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể đối với những sản phẩm trong chuỗi như: “Vải thiều Ea Kar”, “Nhãn hương chi Ea Kar”, “Thịt heo rừng Ea Kar”, “Gà thịt Ea Kar”, “Gạo ST25 Ea Kar”…; hỗ trợ triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng (HACCP, ISO, GlobalGAP…) đối với các sản phẩm: cam, quýt, bưởi da xanh, bột ca cao, hạt mắc ca, lúa gạo... Đồng thời, giúp các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất in tem điện tử thông minh, đăng ký mã vạch, thiết kế bao bì, nhãn mác; mở cửa hàng, xây dựng website cũng như tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, sản phẩm từ chuỗi, tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Hợp tác xã 714 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar). Ảnh: Nguyễn Xuân |
Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai gắn 15 mã số vùng trồng đối với các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, gồm: vải thiều, nhãn hương chi, sầu riêng, khoai lang (trên tổng diện tích gần 554 ha) để làm cơ sở cho các HTX, tổ hợp tác ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp; hỗ trợ máy móc (máy phát điện, máy hút chân không, máy nghiền, máy bay không người lái, máy bơm…) giúp các HTX mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, từ các hoạt động hỗ trợ, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa và một số liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX với người sản xuất. Qua đó, đã tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người cung ứng với thị trường tiêu thụ, gia tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm trên thị trường; từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đủ tiêu chuẩn bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tiến đến xuất khẩu.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc