Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước mặn ở Ea Sin

08:29, 15/06/2023

Nhắc đến tôm thẻ chân trắng, mọi người thường nghĩ đến vùng đồng bằng sông nước. Thế nhưng, hiện nay loại tôm thẻ này đã được anh Nguyễn Việt Tuấn nuôi thành công ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk).

Năm 2020, khi làm trang trại điện mặt trời áp mái, anh Tuấn kết hợp trồng nấm rơm nhưng hiệu quả không cao. Với quyết tâm phát triển kinh tế trên vùng đất Ea Sin, anh Tuấn tìm hiểu kỹ thông tin, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… Năm 2022, anh cùng các cộng sự đầu tư hơn 10 tỷ đồng làm 9 bể nuôi tôm, gồm 4 bể nuôi tôm giống và 5 bể nuôi tôm thương phẩm, thể tích 350 m3/bể. Các bể được thiết kế hình elip bằng khung sắt có lót bạt xung quanh và hệ thống ôxy, lưới bao quanh, cùng nhiều thiết bị hỗ trợ khác.

Anh Nguyễn Việt Tuấn kiểm độ mặn của nước trong bể nuôi tôm.

Anh Tuấn cho biết, để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao cần rất nhiều yếu tố, trong đó kỹ thuật nuôi quyết định sự thành bại, đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo “3 sạch”, đó là: tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy bể sạch. Nước mặn để nuôi tôm được pha từ muối và khoáng chất theo tỷ lệ quy định để tôm được sống trong môi trường giống như nước biển. Việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá độ mặn trong bể nuôi tôm rất quan trọng, quyết định năng suất mỗi vụ nuôi. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng của tôm. "Nhiệt độ cao làm bùng phát các vi khuẩn gây hại, làm tổn thương tủy, chân... của tôm; còn thời tiết quá lạnh thì tôm hay bỏ ăn, ăn chậm khiến chậm lớn, dễ thua lỗ. Với tôm thẻ thì thời tiết ấm áp là phù hợp nhất", anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.

Trung bình mỗi bể tôm giống anh Tuấn nuôi 10 vạn con. Tôm thẻ chân trắng nuôi trong vòng hơn 100 ngày là có thể xuất bán, nếu nuôi gối đầu thì mỗi năm có thể xuất được 6 vụ. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến nay anh Tuấn đã xuất bán được hai vụ, mỗi vụ khoảng 5 tấn tôm thương phẩm. Với giá trung bình 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi vụ tôm anh Tuấn thu về hơn 200 triệu đồng.

Cán bộ và người dân xã Ea Sin tham quan mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Việt Tuấn (đứng giữa).

Đánh giá về lợi ích mà điện mặt trời mang lại cho mô hình nuôi tôm thẻ, đặc biệt là nuôi tôm thẻ công nghệ cao, anh Tuấn cho biết, đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái kết hợp nuôi tôm giúp tối đa hóa lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất. Hệ thống mái che của điện áp mái giúp nhiệt độ trong bể tôm thường duy trì ổn định từ 27 - 35 độ. Đồng thời, hạn chế các loại côn trùng, bụi bẩn xâm nhập trong bể nuôi. Từ đó, giảm rủi ro về dịch bệnh trong quá trình nuôi, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và gia tăng lợi nhuận so với phương pháp nuôi truyền thống. Nếu không lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, người dân vẫn có thể thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới vừa có thể che nắng, phòng trừ dịch bệnh cho tôm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư.

Hiện nay, anh Tuấn đang nghiên cứu, thử nghiệm nuôi tôm thẻ bằng nước mặn trực tiếp dưới ao đất mà không cần sử dụng lưới bao phủ và khung sắt có lót bạt xung quanh như các mô hình nuôi tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá ban đầu, nếu mô hình thành công sẽ giảm hơn 50% chi phí đầu tư so với mô hình nuôi tôm thẻ trong bể bằng khung sắt có lót bạt như hiện tại.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc