Multimedia Đọc Báo in

Gỡ vướng cho Khu công nghiệp Hòa Phú

08:29, 15/06/2023

Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú là KCN duy nhất của tỉnh Đắk Lắk đến thời điểm này. Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm, thế nhưng đến nay KCN này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

KCN Hòa Phú được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 718/QĐ-UBND, ngày 5/4/2007, với quy mô diện tích gần 182 ha. Hiện, diện tích sau khi điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 78/QĐ-UBND, ngày 13/1/2023 của UBND tỉnh là hơn 180 ha. Tính đến nay, có 60 dự án đăng ký đầu tư vào KCN Hòa Phú, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.032 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 2.445 người lao động tại địa phương; trong đó có gần 900 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, với mức lương từ 4,8 – 12 triệu đồng/tháng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm một dự án hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Những năm gần đây, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế nói chung đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, phải tạm ngừng sản xuất, hiệu quả sử dụng đất thấp. Ban Quản lý các KCN Đắk Lắk (đơn vị quản lý KCN Hòa Phú) đã chấm dứt 18 dự án đầu tư với các lý do chậm triển khai, không có khả năng thực hiện và hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả.

 

Trong số các dự án đầu tư vào KCN Hòa Phú có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.692 tỷ đồng (tương đương 73,2 triệu USD), gồm: Nhà máy sản xuất bán thành phẩm của giày (tổng vốn đăng ký đầu tư 499 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina; dự án Nhà máy sản xuất dệt, may trang phục (tổng vốn đăng ký đầu tư 719,5 tỷ đồng) của Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk; Nhà máy sản xuất sợi Đắk Lắk (tổng vốn đăng ký đầu tư 473,6 tỷ đồng) của Công ty TNHH Công nghệ Lugang Việt Nam.

Một trong những khó khăn của KCN Hòa Phú là hiện nay quỹ đất cho thuê đã hết nên việc thu hút thêm dự án đầu tư vào KCN rất hạn chế. Một số nhà đầu tư muốn đầu tư vào đây với diện tích lớn, nhưng sau khi khảo sát thì rút đi do không đủ quỹ đất. Đối với việc kêu gọi, thu hút đầu tư phần mở rộng 150 ha về phía Đông đang được triển khai thực hiện, tuy nhiên ách tắc là phần diện tích kết nối (gần 12,8 ha) chưa được đền bù giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, đơn vị quản lý KCN đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công năm 2024 để kịp thời chi trả cho 32 hộ dân có đất bị thu hồi, giải tỏa.

Một vướng mắc khác tại KCN Hòa Phú là hệ thống cung cấp nước sạch. Nhu cầu nước sạch phục vụ cho các doanh nghiệp và công tác phòng cháy chữa cháy rất lớn, nhưng dự án hệ thống cung cấp nước sạch KCN đã hoàn thành lại chưa được sử dụng, trong khi một số doanh nghiệp đã hết hạn cấp phép khai thác nước ngầm. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng đã được nghiệm thu, nhưng Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú chưa nhận bàn giao quản lý, khai thác vì không đủ nhân lực và năng lực. Cơ quan chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú nhận bàn giao dự án này theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do tuyến giao thông từ Quốc lộ 14 vào KCN chưa hoàn thành. Cụ thể, dự án đường giao thông trục chính vào KCN Hòa Phú có chiều dài hơn 2,1 km, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án đang được triển khai, nhưng ách tắc do việc giải phóng mặt bằng gặp khó. Việc xác minh nguồn gốc đất đai để xây dựng mức giá bồi thường mất nhiều thời gian, một số hộ dân có đất trong phạm vi dự án nhưng ở nơi khác và hiện trạng đất trên thực tế không khớp với dữ liệu đất đai (do chưa cập nhật). Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Một dự án FDI về may mặc đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Quản lý các KCN Đắk Lắk, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đề nghị các ngành, đơn vị liên quan phối hợp giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến KCN Hòa Phú với tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ phát triển công nghiệp của tỉnh; sớm tham mưu ban hành các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư vào KCN. Với những dự án chậm triển khai, sử dụng đất công nghiệp sai mục đích thì kiên quyết xử lý, thu hồi để tạo quỹ đất nhằm thu hút doanh nghiệp có nhu cầu, tiềm lực vào đầu tư.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.