Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán thu hút đầu tư cho du lịch (kỳ 1)

08:43, 22/06/2023

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn, phần do ngân sách eo hẹp, phần do doanh nghiệp (chủ yếu nhỏ và vừa) có tiềm lực tài chính hạn chế nên chưa tạo ra những sản phẩm du lịch thật sự có chất lượng và đẳng cấp nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Kỳ 1: Mối quan tâm của ngành du lịch

Cùng với công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, đa dạng hóa và nâng tầm chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh, thì vấn đề kêu gọi, thu hút đầu tư vào “ngành công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Dự án đầu tư phát triển tại thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng) vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Thế Hùng

Mất cân đối trong đầu tư, kinh doanh

Do tiềm lực tài chính hạn chế nên các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tập trung đầu tư vào phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ và nhà hàng ăn uống, còn các khu/điểm du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn gắn với sản phẩm đặc sắc, chất lượng thì hầu như chưa đáng kể vì “lực bất tòng tâm”.

Thực trạng này thể hiện rõ qua báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU ngày 13/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo báo cáo, giai đoạn 2018 – 2022, Đắk Lắk có 24 dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng số vốn hơn 658 tỷ đồng. Trong đó số khu/điểm du lịch được đầu tư chỉ có 7 dự án với mức vốn chỉ hơn 39 tỷ đồng, còn lại đổ vào các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Sự mất cân đối này (kể cả những giai đoạn trước đó) khiến hoạt động kinh doanh du lịch ở đây trở nên “mất cân bằng” do cơ sở lưu trú, dịch vụ thì nhiều, trong khi đó điểm đến và sản phẩm du lịch thì hạn chế, nên rất khó gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho toàn ngành kinh tế quan trọng này.

Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay trên địa bàn Đắk Lắk có 234 cơ sở lưu trú với gần 6.000 buồng phòng, trong khi đó chỉ có 28 khu/điểm tham quan du lịch. Trong số khu/điểm du lịch ấy, nổi lên vài địa chỉ được du khách biết đến như: Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng Kô Tam, Akô Dhông, Suối Ong (TP. Buôn Ma Thuột); Trung tâm du lịch Bản Đôn, Khu sinh thái Troh Bư (huyện Buôn Đôn); Trung tâm du lịch Hồ Lắk (huyện Lắk) và cụm du lịch Thác Dray Nur - Gia Long (huyện Krông Ana). Tuy nhiên, số lượt khách đến đây không nhiều và càng không có cơ hội gia tăng do sản phẩm du lịch chưa được doanh nghiệp dốc sức đầu tư có chiều sâu và chất lượng hơn.

Danh thắng suối Đắk Tuôr (huyện Krông Bông) chưa được "đánh thức" do chưa thu hút các nhà đầu tư tìm đến.

Từ thực tế đơn điệu, trùng lặp về sản phẩm du lịch cùng hệ (văn hóa, sinh thái, cộng đồng) nên ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho rằng: Du khách đến đây chỉ cần chọn 1 – 2 điểm đến là có thể thỏa mãn nhu cầu, chứ không cần phải đi hết để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Điều đó giải thích vì sao các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng như những vùng trọng điểm du lịch Đắk Lắk luôn than vãn ế khách và nếu có thì thời gian lưu trú quá ngắn (bình quân chỉ 1,5 ngày đêm/người/đoàn) nên doanh thu rất hạn chế.

Đầu tư hạ tầng còn “khiêm tốn”

 

“Cần một nguồn tài chính dồi dào và đủ mạnh để đầu tư cho du lịch Đắk Lắk bứt phá, xứng tầm với tiềm năng là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở đây vẫn đang là bài toán nan giải” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh.

Vấn đề đáng nói nữa là việc đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng đã được quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian qua còn quá “khiêm tốn” khiến “ngành công nghiệp không khói” ở đây chưa thật sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018 - 2022 có 11 dự án (chủ yếu là hạ tầng giao thông, thủy lợi) tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, Lắk, Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M’gar được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn hơn 376 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương chiếm hơn 80%, còn ngân sách của tỉnh chưa đến 37 tỷ đồng bố trí cho một số dự án được cho là cấp thiết: Kè chống sạt lở bờ sông Sêrêpốk, đoạn qua khu du lịch Buôn Đôn; Đập dâng khắc phục tình trạng cạn kiệt nước sông Sêrêpốk, đoạn buôn Trí A, xã Krông Na; Đường vào thác Bìm Bịp, huyện Lắk; Đường giao thông trục chính vào khu du lịch Buôn Đôn; Nâng cấp vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng khu vực trung tâm huyện và đường giao thông ven hồ Lắk; Chỉnh trang khuôn viên Biệt điện Bảo Đại và Bảo tàng Đắk Lắk. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh chia sẻ: Những dự án này được quy hoạch, đầu tư theo hướng tích hợp các nội dung theo Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 9/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung về “Thực trạng và định hướng phát triển du lịch, hình thành các khu/cụm, chuỗi phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk gắn với tổng thể du lịch vùng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Còn việc tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở du lịch như một chương trình/đề án riêng biệt và độc lập thì chưa thể thực hiện do chưa đảm bảo nguồn lực, nhất là vấn đề tài chính vì ngân sách địa phương còn eo hẹp.

Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) được đầu tư và hoàn thiện nhằm phục vụ du lịch. Ảnh: N. An

Điều này, theo bà H’Yim Kđoh nhìn nhận là “lực cản” bởi một khi kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch chưa được chính quyền địa phương xúc tiến đẩy mạnh hơn nữa sẽ khiến các nhà đầu tư chần chừ và e ngại. Điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội, động lực để giúp du lịch Đắk Lắk thật sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như mục tiêu đặt ra.

 (Còn nữa)

Kỳ 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.