Multimedia Đọc Báo in

Trước thềm Hội thảo “Định hướng, quy hoạch tổng thể Du lịch Dak Lak từ năm 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2040”

Thiếu những DN có tầm cỡ đầu tư vào lĩnh vực du lịch

08:46, 15/11/2010

Trước thềm Hội thảo “Định hướng, quy hoạch tổng thể Du lịch Dak Lak từ năm 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2040”, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 11 này tại TP Buôn Ma Thuột), PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tâm Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL xung quanh nội dung trên.

• Thông điệp của hội thảo lần này đưa ra là gì, thưa ông?
- Có thể nói, trên cơ sở định hướng và quy họach lại ngành du lịch của tỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, đồng thới đáp ứng được yêu cầu của Bộ VH-TT-DL là đầu tư, xây dựng Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung trở thành 1 trong 10 vùng du lịch trọng điểm của cả nước, chúng tôi mong muốn qua hội thảo này sẽ tạo dựng được niềm tin, cũng như lộ trình hấp dẫn hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Du lịch Dak Lak được đánh giá là giàu tiềm năng, nhất là lọai hình du lịch văn hóa - sinh thái, nhưng lâu nay vẫn chưa có những doanh nghiệp (DN) tầm cỡ nào đầu tư vào đây mặc dù tỉnh đã có chủ trương, chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư.

• Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đang trở thành vấn đề được quan tâm nhất hiện nay?
- Đúng, không thu hút được đầu tư thì ngành kinh tế này khó phát triển tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, theo đó đã có một số nguồn lực, chủ yếu là tại chỗ đầu tư vào các cơ sở lưu trú, dịch vụ và vài điểm tuor, tuyến trên địa bàn. Còn vấn đề thu hút đầu tư bên ngoài hầu như không có và hiện tại thật sự gặp khó khăn.

Thời gian qua cũng có một số dự án du lịch được các nhà đầu tư đăng ký như: Khu Du lịch Đèo Hà Lan (được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Du lịch Suối Cát- Bình Thuận xây dựng); Khu Du lịch cụm thác Dray Sáp- Dray Nu (do Công ty TNHH Khánh Gia đảm nhận); Khu Du lịch Hồ Ea Kao, Suối Xanh (Công ty Cà phê Trung Nguyên khởi xướng)…, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Song, đến nay vẫn không thấy lạc quan chút nào, bởi có dự án đã dăm bảy năm nay vẫn không thực hiện được theo đúng cam kết, hoặc chỉ nằm trên giấy… buộc UBND tỉnh phải thu hồi lại giấy phép, chủ trương đầu tư như Khu Du lịch Đèo Hà Lan, Hồ Ea Kao, Suối Xanh, Cụm thác Dray Sáp-Dray Nu.

Vẻ đẹp Tây Nguyên (Ảnh: Đặng Bá Tiến)
Vẻ đẹp Tây Nguyên (Ảnh: Đặng Bá Tiến)

 • Ông cảm nhận và đánh giá thế nào về du lịch Dak Lak hiện nay?
- Đối với các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn theo du lịch, những năm qua đã có sự phát triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điều đó thể hiện ở chỗ, riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 45 khách sạn (trong đó có 2/3 cở cở được xếp sao) và 75 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực lưu trú cho khoảng 4000 người/ngày đêm. Nhờ thế hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị có quy mô khu vực và toàn quốc thường được tổ chức tại đây, đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương. Còn các tour - tuyến du lịch (văn hóa, sinh thái) khác như Bản Đôn, Buôn Trí, Hồ Lak, Thanh Hà… thì còn nhiều điều phải quan tâm, nhất là vấn đề quy hoạch, đầu tư tại các điểm trên còn manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của các DN còn yếu, thiếu sự liên kết, liên doanh với bên ngoài để phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Ngoài ra, sản phẩm du lịch của các đơn vị này còn quá đơn điệu, trùng lặp, thiếu sản phẩm du lịch có tính đặc thù, độc đáo để hấp dẫn và níu chân du khách.

Mặc dù thời gian gần đây một số DN như Đam San, Công ty Du lịch Bản Đôn (thuộc Công ty Cao su Dak Lak) đã tìm tòi, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với văn hóa cà phê; Bảo tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên cùng những lễ hội (tín ngưỡng, tâm linh)…, nhưng cũng chỉ mang tính thể nghiệm ban đầu, chưa hấp dẫn được nhiều du khách. Cần tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và sâu rộng hơn về du lịch, nhưng để làm được điều đó, tôi cho rằng ngoài trách nhiệm của các DN ra, UBND tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho ngành du lịch thành lập Trung tâm xúc tiến, quảng bá chuyên biệt hình ảnh của “ngành công nghiệp không khói” này đến với mọi người một cách thường xuyên và có trọng tâm hơn. Để thể hiện quyết tâm đó, Sở VH-TT-DL đã thống nhất và sẽ có văn bản trình UBND tỉnh cho thành lập trung tâm này.

 • Xin cảm ơn ông!

Đình Đối (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.