Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

07:18, 27/06/2023

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa.

Nhằm quảng bá, giới thiệu và cung cấp các sản phẩm hàng hóa thiết yếu là hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Siêu thị Co.opmart Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar).

Điểm bán hàng đi vào hoạt động từ tháng 10/2020 có quy mô gần 100 m2, trưng bày và giới thiệu hơn 300 sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm hằng ngày, hàng công nghệ, hàng gia dụng… Các mặt hàng bày bán tại đây đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được niêm yết giá và trưng bày bắt mắt trên các kệ hàng.

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột triển khai nhiều chương trình khuyến mãi đối với các sản phẩm hàng Việt Nam để kích cầu tiêu dùng

Theo ông Võ Thành Lân, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Cư M’gar, từ khi điểm bán hàng đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước và thu hút lượng lớn khách đến tham quan, mua sắm. Nhờ vậy, doanh thu của cửa hàng đã tăng từ 20 - 30% so với trước đây. Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của người dân, siêu thị đang khai thác và mở rộng thêm ngành hàng, bổ sung hàng hóa nông sản được sản xuất tại địa phương, như: mắc ca, cà phê, hồ tiêu, mật ong và các đặc sản sấy…, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đưa hàng hóa sản xuất trong nước đến người tiêu dùng trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

 

“Cuộc vận động đã tác động tích cực đến ý thức, thói quen mua sắm của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng hàng Việt, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, từng bước xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”- ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương.

Cùng với việc xây dựng điểm bán hàng Việt, Sở Công Thương vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hệ thống phân phối hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại) trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc ưu tiên trưng bày và bán những mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam; triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá đối với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; tham gia chương trình bán hàng lưu động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi để kích cầu tiêu dùng.

Núi Xanh Mart (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng Cuộc vận động này. Cửa hàng hiện đang kinh doanh khoảng 200 mặt hàng các loại như: thực phẩm công nghệ, hàng gia dụng, đồ sấy, nông sản địa phương… với cơ cấu hàng Việt Nam chiếm hơn 90%.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được mua sản phẩm Việt Nam với giá ưu đãi, cửa hàng thường xuyên triển khai các chương trình kích thích tiêu dùng. Với mỗi loại hàng, cửa hàng sẽ có những đợt khuyến mãi phù hợp như giảm giá 10 - 20% vào các dịp lễ, Tết, tặng phiếu mua hàng, tặng quà khi mua từ hai sản phẩm trở lên, phát sản phẩm dùng thử… Ngoài ra, cửa hàng còn tổ chức Phiên chợ Núi Xanh vào thứ bảy hằng tuần để giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh có hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Hữu Hòa, nhân viên kinh doanh của Núi Xanh Mart cho hay: "Trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, cửa hàng sẽ tăng cường các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đặc trưng của tỉnh và các đặc sản vùng miền để giới thiệu đến khách hàng".

Hay như tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, hàng Việt chiếm hơn 90% các sản phẩm bày bán tại đây với đa dạng chủng loại. Với nỗ lực trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, hằng năm siêu thị đều tổ chức chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn mang tên “Tự hào hàng Việt” với nhiều hoạt động ưu đãi về giá cho người tiêu dùng mua sắm như: luân phiên giảm giá đến 50% đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; giảm giá hơn 80% cho các mặt hàng thực phẩm công nghệ; áp dụng "mua 2 tặng 1" cho các mặt hàng đồ dùng gia đình; tích "sao" nhận phiếu mua hàng... Cùng với đó, siêu thị cũng đã nhiều lần đưa hàng Việt về bán tại các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân địa phương. Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, đơn vị đã chủ động đưa những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả hợp lý để người dân tham quan, chọn lựa. Qua đó, góp phần từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân vùng nông thôn.

Nhân viên của Núi Xanh Mart (bên trái) giới thiệu với khách hàng các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa trong nước; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng do doanh nghiệp trong nước, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh đến người dân… Từ đó, khuyến khích, động viên nhân dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng hàng hóa của Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân. Chị Cao Thị Lệ Thu (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong những lần mua sắm, tôi đều ưu tiên lựa chọn các mặt hàng mang thương hiệu Việt vì có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý. Mặt khác là để ủng hộ doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương, qua quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xu hướng chọn hàng Việt của người dân ngày càng gia tăng, trong đó nhiều sản phẩm đã chinh phục, tạo được sự tin cậy với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Hiện, có 80 - 90% dân số trên địa bàn tỉnh quan tâm, sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại cũng chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%) so với các mặt hàng ngoại nhập.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.