Multimedia Đọc Báo in

Cần tăng cường tập huấn khuyến nông cho nông dân tại thực địa

08:34, 26/07/2023

Mới đây Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với UBND phường Khánh Xuân tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất các giống lúa vụ hè thu 2023 cho bà con nông dân tại buôn E Rang (phường Khánh Xuân).

Buổi tập huấn được tổ chức ngay tại ruộng với những “giáo cụ” trực quan, sinh động, không chỉ “tai nghe” mà còn được “mắt thấy, tay sờ”.

Hiệu quả cho thấy là số nông dân tham gia tập huấn vượt số lượng người dự kiến theo kế hoạch đề ra. Tại ruộng, bà con lắng nghe và trao đổi nhiệt tình, mạnh dạn tương tác, trao đổi với cán bộ khuyến nông.

Bà con không chỉ được tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật chăm sóc lúa, mà còn được nghe những vấn đề liên quan trong sản xuất lúa như: cố định carbon trong đất lúa, liên quan đến hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu; vấn đề quan hệ về chuỗi thức ăn của sinh vật trong ruộng lúa, về một hệ sinh thái cân bằng để góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo.

Tại ruộng, nông dân được cán bộ kỹ thuật chia sẻ, phân tích các triệu chứng thực tế trên cơ sở khoa học, kiến thức thực tiễn cộng với kinh nghiệm, không những chỉ giúp nông dân tự tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp nhất áp dụng vào sản xuất, mà còn phát huy tính sáng tạo của nông dân.

Một buổi tập huấn kỹ thuật do Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột tổ chức ngay tại rẫy cà phê.

Dễ thấy, khi tổ chức tập huấn khuyến nông ngay tại thực địa (ruộng rẫy, vườn, chuồng) thì nông dân hào hứng hơn, mạnh dạn trao đổi, tương tác một cách tự nhiên hơn với cán bộ khuyến nông. Tại ruộng, vườn, chuồng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thông qua các hoạt động quan sát, trao đổi, chia sẻ và thực hành, nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng mới, tự mình phân tích, lựa chọn và mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật phù hợp vào sản xuất của gia đình mình. Chủ đề tập huấn tại ruộng, vườn, chuồng thường không đơn điệu, dài dòng như tập huấn ở hội trường. Thời gian tập huấn cũng không kéo dài, nông dân tiếp cận và trực tiếp chứng kiến, quan sát, xem được cách làm trong các khâu kỹ thuật và làm theo nên dễ nhớ, dễ áp dụng, sẽ đem đến kết quả thành công trong tập huấn.

Tuy nhiên, lâu nay phương pháp tập huấn khuyến nông ngay tại thực địa chưa được các cơ quan chức năng chú trọng, áp dụng mà vẫn chủ yếu tổ chức trong hội trường. Theo quan sát và phản ánh của nhiều nông dân, sau khi dự các buổi tập huấn trong hội trường, bà con thường nghe xong quên ngay, nhiều kiến thức lại không có thực hành, không được trực quan nên rất khó nhớ. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thường chỉ một chiều, không có sự tương tác giữa người hướng dẫn và nông dân càng làm họ khó tiếp thu được kiến thức mới, tiếp nhận kinh nghiệm, không hiểu được nguyên lý cũng như nguyên nhân sâu xa của hiện tượng, chính vì vậy sẽ không tìm ra những giải pháp phù hợp khiến nông dân lúng túng khi lựa chọn biện pháp áp dụng. Chưa kể, không phải người hướng dẫn, giảng viên nào cũng có đủ kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng để gợi ý những nội dung mà nông dân đang cần tương tác, hỗ trợ khi tập huấn tại hội trường.

Thiết nghĩ, các cơ quan khuyến nông cần tăng cường tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn ngay tại ruộng rẫy, vườn, chuồng; chỉ nên tổ chức tập huấn trong hội trường với những chủ đề thiên về lý thuyết, phổ biến các quy định pháp luật… Để buổi tập huấn tại đồng ruộng, vườn, đầu chuồng thành công, vai trò trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật hết sức quan trọng. Cán bộ kỹ thuật phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cơ bản về nông nghiệp, chịu khó học tập nghiên cứu, nắm bắt thực tế và kỹ năng kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Song song đó, cán bộ kỹ thuật phải gần gũi hòa đồng với nông dân, chân thành, cởi mở, và chịu khó lội ruộng, vườn với dân thì mới chia sẻ trao đổi tương tác cùng nông dân tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tập huấn tại thực tế hiện trường cũng sẽ giúp cán bộ khuyến nông tích lũy được những kinh nghiệm quý từ sản xuất của nông dân, để biết những cái mới phát sinh trong thực tế mà nghiên cứu tìm hiểu, đưa ra các giải pháp mới hơn, theo đó tiếp tục chuyển tải những kiến thức khoa học mới, áp dụng hiệu quả cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp địa phương.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.