Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng công tác tuyên truyền trong phòng, chống thiên tai

12:35, 13/07/2023

Sáng 13/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra về công tác PCTT năm 2023 tại địa phương. Làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ thiên tai làm 1 người chết, 4 người bị thương, 128 nhà bị ngập nước, 66 nhà bị hư hỏng, 8.416 ha cây trồng bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại kinh tế gần 243 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 đợt thiên tai làm 1 người chết, 1 người bị thương, hư hỏng 259 ngôi nhà, 741 ha cây trồng bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại gần 11,6 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện công tác PCTT, tỉnh Đắk Lắk đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch năm 2023; đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai với những kịch bản cụ thể. Tỉnh đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó, khắc phục thiên tai. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ 65,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và trung ương để khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với Quỹ PCTT, năm 2022, tỉnh đã chi 23,1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 chi 8,4 tỷ đồng cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đoàn công tác thị sát Hồ thủy lợi Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột
Đoàn công tác thị sát Hồ thủy lợi Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đánh giá tại của các đại biểu, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời do thiếu nguồn lực; ngân sách hàng năm bố trí cho PCTT còn hạn chế; bản đồ ngập lụt hạ du của lưu vực sông Srêpốk đã được Bộ NN-PTNT xây dựng nhưng chưa bàn giao cho địa phương để khai thác, sử dụng. Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025, với tổng kinh phí 25.602 tỷ đồng; xem xét tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 nhằm sớm ổn định đời sống người dân; cấp bổ sung cho địa phương một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Long đánh giá cao những kết quả tỉnh Đắk Lắk đạt được trong công tác PCTT trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, kinh phí, trang thiết bị PCTT còn hạn chế. Đồng chí lưu ý, thời gian tới địa phương cần rà soát, hoàn chỉnh các kế hoạch, kịch bản PCTT phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh; phối hợp diễn tập kỹ lưỡng để tránh bị động khi xảy ra thiên tai; chủ động việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai; đồng thời, phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân không chủ quan, lơ là với thiên tai. Với những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo các bộ, ngành Trung ương để có giải pháp sửa đổi, xử lý.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn đã kiểm tra thực tế về công tác PCTT tại công trình Hồ thủy lợi Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Minh Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.