Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh xã vùng sâu Ea Kuếh tìm hướng thoát nghèo

08:33, 04/07/2023

Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ea Kuếh (huyện Cư M’gar) hiện có 217 hội viên tham gia sinh hoạt tại 11 chi hội thôn, buôn. Những năm qua hội viên CCB trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó thoát nghèo và làm giàu.

Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, CCB Y Hách Kbuôr (trú buôn Wing) lập gia đình và ra ở riêng. Chỉ có 5 sào rẫy được bố mẹ chia cho, vợ chồng anh Y Hách gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu làm lụng vất vả song gia đình anh cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, không có vốn đầu tư vào vườn cây nên năng suất, sản lượng cà phê hằng năm đạt thấp. Đầu năm 2020, vợ chồng anh phải gửi con cho ông bà nuôi để vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công việc không ổn định, vợ chồng anh Y Hách lại quay về địa phương.

Anh Y Hách Kbuôr (bên trái) giới thiệu về mô hình chăn nuôi dê của gia đình.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Y Hách, Hội CCB xã Ea Kuếh đã cho vay 16 triệu đồng từ nguồn Quỹ Nghĩa tình đồng đội để phát triển kinh tế. Với số vốn được vay, anh Y Hách đã đầu tư làm chuồng trại và mua 4 con dê mẹ sinh sản để chăn nuôi; đưa cây hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê. Cần cù, chịu khó lại biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đến nay đàn dê của gia đình đã phát triển được 24 con, trong đó có 11 con dê cái sinh sản. Anh đã bán được 10 con dê thịt với số tiền khoảng 22 triệu đồng. Phân dê một phần anh đem bán, còn lại bón cho vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình. Nhờ được đầu tư chăm sóc, vườn cây của gia đình anh đã dần phục hồi lại và hiện nay mỗi năm anh thu được 1,2 tấn cà phê và 4 tạ tiêu hạt. Ngoài ra, vợ anh Y Hách còn mở thêm một tiệm bán cà phê, nước giải khát để cải thiện thêm nguồn thu nhập trang trải kinh tế gia đình.

Với gia đình CCB Phạm Văn Vở (trú thôn Đoàn Kết), kinh tế gia đình đã được cải thiện nhờ trồng cây sầu riêng kết hợp với nhiều loại cây ăn quả khác. Gia đình ông Vở từ quê hương Thái Bình vào lập nghiệp tại xã Ea Kuếh từ năm 2000. Ông khai hoang và mua thêm đất với diện tích tổng cộng là 2,3 ha, ban đầu ông trồng cà phê rồi sau đó đưa cây hồ tiêu vào trồng xen. Hiệu quả từ trồng cà phê, hồ tiêu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình; tuy nhiên các loại cây này hiện đã bắt đầu già cỗi, năng suất, sản lượng giảm dần. Ông Vở trăn trở, suy nghĩ để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Sau nhiều lần học tập, đi tìm hiểu thực tế từ các mô hình sản xuất, ông quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế từ các loại cây ăn quả. Từ năm 2015, ông Vở dần thay thế cà phê, hồ tiêu bằng trồng bơ, mít, ổi, bưởi, sầu riêng… Hiện nay trong vườn của gia đình ông Vở trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau, nhiều nhất là sầu riêng với 140 cây. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, vườn cây ăn quả của gia đình ông phát triển rất tốt, nhiều cây đã cho thu nhập. Trong vụ mùa vừa qua, có 108 cây sầu riêng của gia đình đã cho thu bói, qua đó gia đình ông thu hơn 400 triệu đồng.

Dù là vùng sâu, vùng xa của huyện Cư M’gar nhưng hiện nay số gia đình CCB nơi đây có mức kinh tế khá, giàu chiếm gần 70%.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.