Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực vật

20:19, 21/07/2023

Ngày 21/7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức hội thảo quốc gia về Bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 22.

Tham dự hội thảo có khoảng 130 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, ngành nông nghiệp trong cả nước. 

ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Triệu Mẫn, Chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam hiện có 802 hội viên, trong đó có 10 Giáo sư, 20 Phó giáo sư và hơn 100 Tiến sĩ. Trong 22 năm qua, Hội đã tổ chức 22 hội thảo cấp quốc gia, công bố 693 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 564 công trình có ứng dụng phòng trừ trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho cây trồng. Nhiều vi sinh vật gây bệnh mới có tên các tác giả Việt Nam đã có trong ngân hàng gene của thế giới. Bên cạnh đó, những năm qua, hội đã tạo ra các giống, dòng cây chống bệnh, phương hướng phòng trừ mới, sản xuất nhiều sản phẩm chẩn đoán và chế phẩm sinh học. Nổi bật là hội đã đóng góp quan trọng trong kết quả dập tắt dịch bệnh lúa lùn xoăn lá, lúa vàng lùn tại miền Tây Nam bộ,… cùng nhiều bệnh khác bảo vệ được sản xuất lương thực. Các biện pháp phòng trừ của hội đã đi đúng hướng bảo vệ môi trường với nhiều biện pháp sinh học và canh tác kết hợp.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày 11 báo cáo khoa học với các đề tài như: Giống kháng bệnh trong kỷ nguyên omics, triển vọng quản lí bền vững bệnh hại thực vật, ứng dụng vi sinh vật trong quản lí tuyến trùng, bệnh héo rũ Panama trên chuối ở Việt Nam và định hướng nghiên cứu, xác định tác nhân gây bệnh héo xanh trên cây khoai lang… Đây là những góc nhìn chuyên môn sâu, những kết quả nghiên cứu công phu về bệnh hại thực vật, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực vật và tối ưu hóa năng suất cây trồng.

ảnh
Các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận.

Đây cũng là dịp để đại biểu trao đổi kiến thức, chia sẻ sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao thuộc lĩnh vực bệnh hại thực vật tại Việt Nam. Hội thảo cũng là diễn đàn phát triển các hợp tác đa phương trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, đóng góp nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, từ ngày 22 – 23/7, Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam tổ chức tham quan khảo sát thực địa mô hình canh tác vườn tại tỉnh Đắk Lắk.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc