Để Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị vùng
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Tây Nguyên có ba đô thị động lực, tương ứng với ba tiểu vùng được quy hoạch phát triển.
Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng, nằm ở tiểu vùng trung tâm.
Tầm nhìn đô thị rộng mở
Theo phân tích của các chuyên gia, Tây Nguyên cần hình thành ba tiểu vùng để thuận tiện đầu tư phát triển. Tiểu vùng phía bắc gắn với TP. Pleiku (Gia Lai), định hướng phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, đầu tư công nghiệp năng lượng tái tạo, với thế mạnh nông nghiệp dược liệu. Tiểu vùng phía nam gắn với TP. Đà Lạt, định hướng phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, đầu tư công nghiệp khai khoáng, chế biến nhôm, bô xít…, với thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao về hoa, cây cảnh… Tiểu vùng trung tâm gắn với TP. Buôn Ma Thuột, định hướng năng lượng tái tạo, đầu tư công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê, phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Với định vị này, không gian phát triển kinh tế tiểu vùng trung tâm sẽ gắn với hướng hợp tác các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên theo hành lang Quốc lộ 26, 29 và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. TP. Buôn Ma Thuột là đô thị hạt nhân toàn vùng, có vai trò định hướng liên kết, phát triển chuỗi đô thị vệ tinh như thị xã Buôn Hồ, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Phước An… để giữ vững thế đầu tư đô thị trung tâm. Đồng thời, hướng vận động từ Buôn Ma Thuột cũng là góp phần hình thành các tiểu đô thị phía vùng biên giới, có chức năng thương mại, dịch vụ gắn với lợi thế cửa khẩu, và kết nối giao thông quốc tế. Xuất khẩu hàng hóa nông sản từ Buôn Ma Thuột sẽ không chỉ xuôi về phía đông và phía nam, mà cần nghiên cứu đi qua phía tây. Mới đây, thông tin đường sắt liên vận từ Thái Lan đi Trung Quốc đã thông hành, cho phép hướng cửa khẩu xuất hàng sang thị trường tỷ dân sẽ càng thuận lợi về phía tây hơn nữa.
Như thế, có thể hình dung Buôn Ma Thuột ở vị trí trung tâm lòng một bàn tay mở, với năm ngón tay xòe rộng về các hướng Đà Nẵng, Phú Yên - Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh và phía tây. Đô thị Buôn Ma Thuột, bởi vậy phải khẳng định được tư thế tâm điểm hội tụ hàng hóa nông, lâm sản chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng nội địa có giá trị cao. Đô thị này sẽ tiếp nhận cả luồng hàng hóa tiêu dùng, công nghệ… từ các nơi về, và phân luồng hàng hóa bản địa lan tỏa đi các nơi. Thị dân Buôn Ma Thuột có cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh thương mại, hợp tác sản xuất, đầu mối hỗ trợ tiêu thụ cho toàn vùng nông sản địa phương xung quanh. Đô thị Buôn Ma Thuột sẽ không chỉ lớn mạnh về quy mô diện tích nhà ở, mà còn phải nâng tầm các chuẩn sàn giao dịch thương mại, logistics hàng hóa, ứng dụng công nghệ số về tài chính thanh toán; đồng thời sẽ giữ vững quan hệ xã hội truyền thống, đậm đà bản sắc địa phương để ổn định.
Định vị những giá trị đặc hữu
Bởi những giá trị và tầm nhìn phát triển ấy, Buôn Ma Thuột phải là đô thị hiện đại, sàn giao dịch xuất khẩu, địa chỉ thu hút công nghiệp chế biến nông, lâm sản giá trị cao của toàn vùng. Thế mạnh nông nghiệp đặc hữu với các loại nông sản ưu thế như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, bơ… cần được khai thác theo hướng xuất khẩu sản lượng lớn, nguyên liệu tinh tuyển và chế biến chuyên sâu giá trị cao.
Đây là lý do để thành phố tập trung mời gọi các dự án đầu tư chế biến nông sản chất lượng, kho vận logistics đồng bộ, và nhất là vận động hình thành các khu, cụm đô thị bản địa, vừa quy hoạch sắp xếp lại thị dân, phân loại đất, vừa hình thành những tâm điểm sàn kinh doanh, khu phố mặt bằng thương mại sầm uất, hiện đại, tạo nên những điểm nhấn đô thị có chủ đề độc đáo và đậm bản sắc.
Buôn Ma Thuột đang ngày càng thể hiện tầm vóc và sức mạnh của một đô thị cốt lõi vùng Tây Nguyên. Trong ảnh: Một góc Dự án thành phố cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Đồng thời, Buôn Ma Thuột cũng cần cải thiện hạ tầng đô thị chung theo hướng trở thành đô thị loại 1 toàn vùng, với các tiêu chí cải thiện điều kiện sinh hoạt, tiêu dùng, sinh kế dịch vụ cho người dân. Những chỉ tiêu đô thị như cấp, thoát nước, tỷ lệ cây xanh, xử lý rác thải, chất lượng y tế, giáo dục… đều phải được điều chỉnh lại phù hợp, cho phép thị dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các tiện ích công nghệ, đời sống hiện đại, các dịch vụ công chất lượng và cải cách hành chính tích cực hơn. Điểm đáng lưu ý ở đây là thành phố không tách rời những giá trị đặc hữu về văn hóa bản địa, những tiêu chí tâm linh tín ngưỡng, sinh hoạt buôn làng trong cộng đồng xã hội, để cân đối sự phát triển, tăng tốc đô thị hóa với yêu cầu bình ổn các giá trị tam nông, giá trị văn hóa các dân tộc, là nòng cốt bảo vệ nền nông nghiệp sản xuất tại địa phương.
Rõ ràng từ phân tích định hướng và cơ hội phát triển, TP. Buôn Ma Thuột đang ngày càng thể hiện tầm vóc và sức mạnh của một đô thị cốt lõi vùng Tây Nguyên, có sự nhất trí chỉ đạo cao từ Bộ Chính trị và các bộ, ngành Trung ương, cùng hành động của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội… Sự cần thiết tiếp theo là các chính sách, cơ chế đặc thù được áp dụng sẽ vận hành như thế nào, thể hiện được cái tâm và tầm nhìn của chính quyền tỉnh Đắk Lắk, nhằm thu hút hiệu quả sự góp sức, đồng thuận của các doanh nghiệp và người dân, từ đó sẽ thật sự thúc đẩy Buôn Ma Thuột đích thực là đô thị hạt nhân vùng.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc