Multimedia Đọc Báo in

Xóa bỏ độc quyền về điện: Không đơn giản chỉ là cổ phần hóa, xã hội hóa

08:24, 30/07/2023

Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng đã thể hiện sự lo lắng, ái ngại trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3% vào ngày 4/5.

Như vậy sau bốn năm không tăng, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%).

Sau thông tin trên, trên mạng Internet đã có nhiều ý kiến phân tích đánh giá về ngành điện, cho rằng ngành này tồn tại nhiều bất cập, điển hình như việc tăng giá bất thường, rồi điện trong nước không cho đấu nối, lại đi nhập khẩu từ nước ngoài... Trên cơ sở đó, nhiều người cho rằng đề nghị các cấp, ngành liên quan phải cần phải thanh tra thật kỹ, phát hiện tiêu cực phải xử thật nghiêm. Song song đó, lại có một số người đưa ra những ý kiến cho rằng giải pháp để khắc phục những bất cập nêu trên của ngành điện là cần đẩy mạnh cổ phần hóa, xã hội hóa để tiến tới sớm xóa bỏ độc quyền ngành điện.

Công nhân Điện lực Cư M’gar kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị điện tại nhà máy của Công ty TNHH Nông sản Tây Nguyên. Ảnh: Hương Cẩm

Luận điểm này tuy nghe qua có vẻ phù hợp, nhưng đứng ở một góc nhìn khác, nhất là góc độ quản trị quốc gia thì cần phải hết sức cân nhắc. Bởi lẽ kiểm soát chặt chẽ thì đúng là điều thực sự nên làm, nhưng "thần thánh hóa" việc cổ phần hóa, xã hội hóa để tiến tới xóa bỏ độc quyền thì cần phải hết sức thận trọng.

Chúng ta có thể thấy, ngành điện là một ngành công nghiệp hết sức trọng yếu, nhất là đối với một đất nước đang phát triển, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như chúng ta. Nhiệm vụ của ngành điện là nhiệm vụ về an ninh năng lượng, mà an ninh năng lượng là an ninh quốc gia, là chủ quyền Tổ quốc. Bởi vậy, không thể chỉ nói đơn giản rằng xóa bỏ độc quyền ngành điện là xong mà nó là vấn đề cực kỳ hệ trọng của đất nước ta.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy xóa bỏ độc quyền sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều lựa chọn hơn. Khi đó, giá điện sẽ phản ánh chi phí thị trường tốt hơn. Mặc dù để tạo được cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối điện sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải tổ cả về quy định kỹ thuật cũng như khung pháp lý. Nhưng, việc xóa bỏ độc quyền ngành điện có phải là một giải pháp tối ưu?

Câu chuyện xã hội hóa về biên soạn, phát hành sách giáo khoa đã và đang là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Ban đầu thì đòi tư nhân hóa sách giáo khoa rồi sau đó lại đòi Nhà nước can thiệp đưa giá sách giáo khoa trở lại. Đến thời điểm này, vấn đề ấy vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Trên thực tế, ngành điện đã không độc quyền từ rất lâu rồi. Tư nhân và khối ngoại đã tham gia vào khâu sản xuất điện và EVN chỉ “độc quyền” khâu truyền tải và phân phối đến người dân mà thôi. Cụ thể, đã có rất nhiều nội dung của ngành điện đã được xã hội hóa trên diện rộng, nhất là sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, hoạt động thí nghiệm điện... Hay những dự án công trình thủy điện, điện gió, điện mặt trời với quy mô công suất rất lớn cũng đã được giao cho các nhà đầu tư tư nhân xây dựng, quản lý, vận hành. Thậm chí đường dây và trạm biến áp 500 kV những đoạn ngắn, phạm vi ảnh hưởng không lớn cũng đã được giao cho tư nhân xây lắp, quản lý.

Rõ ràng, chúng ta phải nhận thức được rằng kiểm soát chặt chẽ và cổ phần hóa, xã hội hóa tiến tới xóa bỏ độc quyền là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dù các quan điểm đều mong muốn xây dựng, tìm ra giải pháp vì lợi ích chung nhưng nếu vội vàng, thiếu cân nhắc, tính toán thực sự căn cơ thì hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm và khó lường.

Cao Nguyên Hiền Hòa


Ý kiến bạn đọc