Đô thị Buôn Ma Thuột: Cần ưu thế tam nông
Trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương những năm gần đây, vấn đề tam nông ngày càng được quan tâm hơn. Những tiêu chí nông thôn mới được Trung ương quy định đã trở thành mục tiêu quan trọng của các tỉnh thành, nhất là những khu vực định hướng quy hoạch đô thị hóa.
Với một đô thị định hướng gắn kết nông nghiệp giá trị cao như Buôn Ma Thuột, câu chuyện này lại càng cần phải nhìn nhận thấu đáo.
Nội dung định hướng tam nông đã được Hội Nông dân Việt Nam đúc kết, là xây dựng nền nông nghiệp vững bền, cải thiện đời sống người nông dân, và cấu trúc tiến bộ văn minh hiện trạng nông thôn. Ba vấn đề này, khi đối chiếu lại, cũng chính là nền tảng quan trọng để TP. Buôn Ma Thuột tập trung được những ưu thế đặc hữu của mình, mà thúc đẩy đô thị hóa hiệu quả.
Đô thị hóa là mục tiêu nông thôn mới?
Để lý giải điều này, một chuyên gia tư vấn Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lâu nay quan niệm xã hội vẫn tách bạch nông thôn và đô thị, nông nghiệp và công thương, nông dân và các thành phần kinh tế khác một cách rõ ràng đến tiêu cực. Thật ra, không có quy định nào phân biệt rõ ràng lằn ranh các khu vực, và phải căn cứ vào đặc điểm vùng miền, địa phương, địa bàn, người ta mới xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, hợp nhất các nguồn lực. Các tỉnh thành Việt Nam, vì nông nghiệp nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên sự tương tác, gắn kết giữa bộ mặt đô thị với quan niệm nông thôn vẫn thường xuyên diễn ra. Riêng với TP. Buôn Ma Thuột, cơ cấu đầu tư, tiếp tục khai thác thế mạnh nông nghiệp, nông thôn qua các loại nông sản giá trị cao vẫn phải là lựa chọn tất yếu trong thời gian tới. Do đó, định nghĩa đô thị hóa ở thành phố này, cũng như các địa phương có tỷ trọng nông nghiệp cao như vùng đồng bằng sông Cửu Long, không hề tách khỏi vấn đề tam nông.
Ở đây, có thể thấy một câu hỏi mà các địa phương phải đặt ra, là đô thị hóa có phải mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới?
"Buôn trong phố" - nét độc đáo của TP. Buôn Ma Thuột (Trong ảnh: buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Đơn cử tại TP. Đà Nẵng, thời gian qua, thông tin từ các cấp chính quyền cơ sở ở thành phố này là nỗ lực thúc đẩy huyện Hòa Vang, khu vực nông thôn cuối cùng phải được đô thị hóa. Lý luận này khiến nhiều người nghĩ, Đà Nẵng xác định đô thị hóa là điểm đến cần thiết cho địa phương về nông thôn mới. Điều này gắn với mục tiêu vận động của Đà Nẵng là trở thành một đô thị hiện đại, tâm điểm tài chính đầu tư, công nghệ và du lịch ở miền Trung. Đời sống thị dân phải được củng cố và lan tỏa, Đà Nẵng mới phát triển mạnh mẽ.
Ngược với tư duy này, Thành ủy Hội An (Quảng Nam) khẳng định, địa phương hiện có 9 phường và 4 xã, nhất định trong thế phát triển sẽ giữ vững cơ cấu này. Nghĩa là, Hội An xác định tam nông là thế mạnh tất yếu phải bảo đảm; tiến độ đô thị hóa của địa phương không tách rời, thay đổi quá trình xây dựng tam nông. Thậm chí ngược lại, phát triển tam nông vững chắc, hạn chế diện tích đô thị hóa, Hội An mới khai thác được các tiềm lực kinh tế để phát triển tốt hơn.
Đặt giữa lựa chọn của hai địa phương này, TP. Buôn Ma Thuột cần nhận diện rõ ưu thế đặc hữu của mình, là phải đô thị hóa toàn diện, đầy đủ để nâng cao đời sống thị dân, song phải khai thác tốt nhất những tiềm lực nông nghiệp giá trị cao để bảo đảm gốc rễ kinh tế đầu tư cơ bản.
Đô thị song hành tam nông
Đặc điểm địa bàn quy tụ các dân tộc anh em cho phép Buôn Ma Thuột ấn định rõ diện mạo đô thị hóa không tách rời văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên bao đời, gồm cả những kiểu kiến trúc cố hữu, và hoạt động kinh tế đầu tư. Sức mạnh nông nghiệp với vùng nông sản chuyên canh, năng suất lớn và có giá trị xuất khẩu cao phải được giữ vững.
Như thế, thành phố vẫn giữ bóng dáng “buôn trong phố” cạnh những khu đô thị mới, cần đầu tư vùng canh tác nông nghiệp xung quanh để xây dựng thương hiệu thương mại nông sản, cần bảo toàn sinh kế nông dân với những dịch vụ phát triển gia tăng của kinh tế thị trường. Tầng lớp thị dân Buôn Ma Thuột cũng chính là người nông dân Đắk Lắk. Diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột vẫn cơ bản giữ vùng nông thôn mới, chỉ là đầy đủ các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hiện đại, văn minh hơn, và cải thiện hạ tầng văn hóa xã hội, y tế, giáo dục…
Theo chuyên gia tư vấn, việc định hướng xây dựng một thành phố hiện đại, tiến bộ, đời sống thị dân chất lượng cao nhưng vẫn gắn bó với ưu thế tam nông, là thách thức không nhỏ của Buôn Ma Thuột. Địa phương cần hoạch định rõ, là mục tiêu sinh kế người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu, qua đó mới đầu tư, vận động các mũi nhọn kinh tế địa phương, như canh tác nông nghiệp, cải tiến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh công nghệ số, chuyển biến chất lượng du lịch, giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự xã hội… Cần thấy bài học kinh nghiệm của một số địa phương để cân nhắc phát triển.
Quan trọng hơn, TP. Buôn Ma Thuột phải thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của mình ở vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao thương, thu hút đầu tư kinh tế, nhưng cũng là mấu chốt giao thoa, giữ gìn bản sắc, sức mạnh văn hóa đại ngàn, những giá trị nhân sinh bền vững, tầm nhìn phát triển trăm năm ổn định… Gốc rễ tam nông ở Tây Nguyên không phải hình thành trong thời gian ngắn, lại càng không thể để những tác động thị trường, lợi ích trước mắt làm ảnh hưởng, mà cần được xem xét khoa học, định liệu rõ ràng, mới có thể trở thành bàn đạp cho TP. Buôn Ma Thuột thực hiện đô thị hóa thành công và hiệu quả hơn.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc