Multimedia Đọc Báo in

Đô thị thương mại: Thêm cơ hội cùng chuyển đổi số

08:45, 02/07/2023

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhiều người e ngại các lợi thế kinh doanh thương mại ở vùng đô thị sẽ mất đi. Song với những nhà quản lý thương mại chuyên nghiệp, chính nền tảng số hóa hiện nay lại đang mở ra những cơ hội rất tốt cho các mặt bằng thương mại chuyên nghiệp.

Tiếp cận xu thế số hóa

Không ít người đã bày tỏ lo lắng khi nhìn vào hiện trạng mặt bằng kinh doanh ở các đường phố lớn, trung tâm chính Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng bị bỏ trống trong hơn một năm qua, và cao điểm từ tháng 4/2023 trở lại đây. Thống kê chưa đầy đủ của giới đầu tư bất động sản cho thấy, có đến gần 40% các mặt bằng đắc địa, đầy lợi thế của các đô thị thương mại lớn đang “đóng cửa” vì người thuê trả lại. Làn sóng các nhà đầu tư thương mại “tháo chạy” khỏi những con phố “đất vàng” là không thể phủ nhận.

Nhìn nhận của giới kinh doanh, nguyên nhân tình hình này rất đơn giản, bởi các mặt bằng cố hữu đang mất thế cạnh tranh trước mạng lưới bán hàng trực tuyến tự phát trong xã hội. Ứng dụng công nghệ số đang trở nên phổ biến, với các mạng xã hội, những công cụ bán hàng trực tuyến, tư vấn trực tuyến, phối hợp hệ thống các tổ chức giao hàng qua mạng, đã làm thay đổi hẳn thói quen tiêu dùng ở đa số người. Kể cả nhiều người cao tuổi, dù không muốn, cũng làm quen với các phần mềm đặt hàng trực tuyến để thao tác mua hàng. Từ mua một túi bột mì đến tìm một máy cắt cỏ chuyên nghiệp, mọi người cũng sẽ lên mạng xã hội, dùng website… để liên hệ nơi bán. Điều này cho phép những “cửa hàng online” có thể tồn tại ở bất cứ đâu, trong hẻm hóc, ở chung cư, hay tận trong làng xã xa xôi, trong khi những mặt bằng thương mại, showroom, cửa hàng đại lý… trực tiếp ở các tuyến đường phố lớn ngày càng vắng khách.

Những mặt bằng thương mại chuyên nghiệp sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng của các khu đô thị mới.

Rõ ràng, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của riêng các bộ máy quản lý hành chính nữa, mà đời sống thường nhật của người dân đã tiếp cận xu thế số hóa một cách mau chóng. Kéo theo đó, hoạt động thương mại kinh doanh ở các đô thị lớn, các khu cụm đô thị được quy hoạch phát triển, cũng phải khẩn trương thay đổi, tiếp cận xu thế mới và hoàn bị những tính năng chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk chia sẻ, số hóa đang tạo cơ hội lớn cho ngành thương mại, nếu nhìn đúng xu thế phát triển. Đó là mạng lưới bán hàng giờ đây phủ khắp, việc kinh doanh không còn lệ thuộc các mặt bằng nữa, mà cần chuyển đổi số sang sàn giao dịch điện tử, website bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội livestream mạnh mẽ… Song đồng thời, vấn đề mặt bằng thương mại chuyên nghiệp, vì thế phải được xem xét kỹ hơn.

Đô thị thương mại lên ngôi

Chiến lược công nghiệp hóa được Tỉnh ủy Đắk Lắk đề cập, đã xác định rõ bốn trụ cột tăng trưởng, trong đó phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, dựa trên nền tảng số, kinh tế số và xã hội số, là rất quan trọng. Những đô thị trung tâm như TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ… phải quy hoạch rõ những khu đô thị mới có giá trị thương mại dịch vụ, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều này, đang được hiện thực hóa bằng các dự án đầu tư, phát triển mở rộng đô thị hóa tại các địa bàn theo hướng hiện đại hóa, thiết kế những mặt bằng thương mại chuyên nghiệp và hiệu quả.

Lý giải điều này, các nhà tư vấn thương mại đã chỉ ra, sự thật những mặt bằng thương mại cố hữu ở các đô thị lớn lâu nay không hoàn toàn có tính chất chuyên nghiệp. Chỉ dựa vào lợi thế vị trí đang thuận tiện, tập trung dân cư và gần bộ máy hành chính cơ sở, các tuyến phố được coi là sầm uất thực sự chỉ có những mặt bằng chia sẻ, vụn vặt, thiết kế tùy tiện và tổ chức kinh doanh chủ quan. Cơ hội kinh doanh từ số hóa đã phá vỡ những lợi thế này, đẩy các mặt bằng “vàng” vào thế khó khăn, buộc phải đóng cửa. Theo đó, yêu cầu về những mặt bằng có sự đầu tư hiện đại hơn, diện tích lớn, quy mô thiết kế chuyên nghiệp, tổ chức kinh doanh bài bản và có thương hiệu, đã đến lúc phải đặt ra.

Thực tế, mua một món đồ thời trang, người tiêu dùng phải trực tiếp cầm nắm, kiểm tra chất liệu, may đo chính mình… Muốn sở hữu một chiếc xe hơi, chai nước hoa, tâm lý người mua luôn là phải xem chọn trực tiếp. Hàng hóa online, vì thế chỉ rơi vào những dạng hàng bình dân, sản xuất phổ thông. Do đó, người mua hàng cần những tiêu chuẩn cao hơn, gu thẩm mỹ tốt hơn, thì phải tìm đến những địa điểm thương mại chuyên nghiệp, thương hiệu rõ ràng, đội ngũ kinh doanh có năng lực thực thụ cùng nhiều yêu cầu khác.

Với một đô thị có ưu thế thực phẩm nông nghiệp như Buôn Ma Thuột, cạnh các mặt bằng thương nghiệp đẳng cấp, thời thượng, sự hiện diện những showroom hàng hóa tiêu chuẩn, cách phục vụ chuyên nghiệp là rất cần thiết. Đơn cử chỉ là những quán cà phê, điểm giới thiệu cà phê đặc trưng cho một thủ phủ cà phê, vấn đề thiết kế, tổ chức các mặt bằng thương mại, xuất khẩu, trải nghiệm sản phẩm đã đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao cấp. Cho nên, sự định vị những khu vực đô thị mới, với các mặt bằng thương mại quy hoạch bài bản, thể hiện tầm vóc những khu phố thương mại diện tích lớn, quy mô đẳng cấp, ứng xử chuyên nghiệp sẽ mang lại những cơ hội thực sự cho giới kinh doanh. Càng là xã hội chuyển đổi số thành công, thì bài toán mặt bằng thương mại chuyên nghiệp này, thật sự lại càng phải được tính đến. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho các đô thị “đi sau” như Buôn Ma Thuột, chỉ cần khéo léo tổ chức quy hoạch phù hợp những không gian thương mại với tầm nhìn các đô thị hiện đại, thích ứng các lợi thế kinh doanh địa phương, là sẽ có thể tạo nên những khu phố đẳng cấp, nâng tầm giá trị thương mại địa phương cùng những sản phẩm hàng hóa của mình.

Bài toán chuyển đổi số của toàn xã hội, như vậy qua lăng kính thương mại dịch vụ, sẽ càng gần hơn với những mặt bằng thương mại chuyên nghiệp, quy hoạch đầy đủ và hướng đến những tầm nhìn bản vị, văn hóa, kinh tế cao hơn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.