Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức
Khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với mức giảm tổng cầu đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong những tháng đầu năm.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Để vực dậy DN sau ảnh hưởng của đại dịch COVID–19, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, tỉnh đã duy trì tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN qua Chương trình cà phê doanh nhân để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Công nhân sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Đồng thời giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành và địa phương để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư...
Đặc biệt, hằng tháng hoặc trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả, tiến độ, hướng xử lý nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
Mặc dù Chính phủ và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, số lượng DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng 8,8%. Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các DN cũng giảm 32,6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và giảm nhiều hơn mức chung của cả nước. Những con số này cho thấy DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn kinh doanh được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất mà các DN đang phải đối diện. Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của DN thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022, cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018 - 2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Đồng thời, số vốn đăng ký tăng thêm của DN đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của DN trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng rất hạn chế. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Văn Dũng chia sẻ, DN hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số DN phải giảm bớt lao động. Giá cả hàng hóa tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Bên cạnh đó, một số DN có tình hình tài chính phức tạp, không có phương án kinh doanh khả thi nên chưa đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng khi vay vốn.
Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ phát triển DN, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Chỉ khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì DN mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc