Giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột:
Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Mặc dù có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, song công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm.
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk dài hơn 83 km, gần 650 ha đất bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 5/7/2023, các địa phương có Dự án đi qua mới chỉ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được khoảng 103 ha (Dự án thành phần 2 mới nhận mặt bằng 15 ha, Dự án thành phần 3 nhận mặt bằng 88 ha).
Nhiều địa phương “vướng” từ cây lâm nghiệp
Hiện nay công tác đo đạc trích lục, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc trên đất cơ bản được các địa phương có Dự án đi qua triển khai và hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB còn nhiều "điểm nghẽn". Trong đó, hầu hết các địa phương, chủ yếu đối với địa phương có Dự án thành phần 2 đi qua đều "vướng" do chưa có áp giá hỗ trợ cây lâm nghiệp và quy định “Không áp dụng tận thu, tận dụng đối với cây lâm nghiệp tập trung (rừng tự nhiên, rừng trồng), tài sản sau khi Nhà nước bồi thường phải tổ chức thu hồi và bán đấu giá theo quy định” tại Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh.
Cán bộ xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) kiểm đếm cây trồng trên đất thuộc diện thu hồi thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Cụ thể, huyện Ea Kar có 5,4 ha cây keo lai và cây bời lời của người dân hiện chưa có giá hỗ trợ nên chưa lập, thẩm định và phê duyệt phương án. Bên cạnh đó địa phương có 8,5 ha cây cao su của doanh nghiệp tư nhân, theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) số cây này sẽ được thu hồi và bán đấu giá, nộp vào ngân sách nhà nước và khấu trừ qua phương án hỗ trợ GPMB. Việc này sẽ kéo dài thời gian, do vậy huyện Ea Kar đề nghị UBND tỉnh cho phép xác định cây cao su là cây công nghiệp không phải khai thác bán đấu giá, đồng thời thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đây cũng là khó khăn chung trong quá trình lập phương án bồi thường, GPMB đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông và M’Drắk. Tại cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Phạm Ngọc Thạch cho biết, huyện M’Drắk có gần 17 km Dự án cao tốc đi qua, với diện tích đất ảnh hưởng 127 ha, hiện nay địa phương đã xây dựng được hai dự thảo phương án, với 88 hộ, gần 65 ha, song do chưa có giá đền bù, hỗ trợ cây keo lai nên chưa thể hoàn chỉnh, phê duyệt. Thêm vào đó, diện tích cây keo trên địa bàn huyện là rất lớn, lại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nên quy định thu hồi, đấu giá cây keo sau khi bồi thường, hỗ trợ sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện.
Không để “Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến cho hay, qua nghiên cứu các văn bản mà một số tỉnh đang áp dụng khi thu hồi đất thực hiện dự án đều không có quy định về việc Nhà nước tận thu cây rừng sau khi bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể, Quyết định số 2179/2022/QĐ-UBND ngày 5/8/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa, hay tại Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Gia Lai, tương tự tại Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình cũng quy định rõ, cây cối, hoa màu sau khi được bồi thường, hỗ trợ thì chủ tài sản được chặt và tận thu. Trong khi đó, tại Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh lại quy định “Không áp dụng tận thu, tận dụng đối với cây lâm nghiệp tập trung (rừng tự nhiên, rừng trồng), tài sản sau khi Nhà nước bồi thường phải tổ chức thu hồi và bán đấu giá theo quy định”. Quy định này gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện GPMB Dự án. Đơn cử như huyện Ea Kar có khoảng 60/110 ha chủ yếu hỗ trợ cây trồng chứ không được hỗ trợ về đất, do đó nếu không cho phép tận thu cây trồng trên đất thì rất khó khăn trong công tác GPMB. Trên cơ sở dựa vào việc áp dụng quy định cho phép người dân tận thu cây rừng của các tỉnh, thành khác, huyện Ea Kar và một số địa phương kiến nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh nhấn mạnh, đây là công trình có tính đặc thù, dự án trọng điểm quốc gia và là dự án rất quan trọng đối với tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác GPMB Dự án qua địa bàn tỉnh chậm so với kế hoạch, tiến độ đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh quy định hiện hành theo hướng cho phép người dân được tận thu cây rừng trồng sau khi được hỗ trợ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”. Bởi thực tế việc thu hồi, bán đấu giá của Nhà nước qua rất nhiều khâu trung gian như thành lập hội đồng, phân công lực lượng bảo vệ, thêm vào đó chi phí vận chuyển rất cao, thậm chí còn thất thoát tài sản. Do đó, cần tham mưu điều chỉnh ngay Quyết định số 10/2023 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 10/2020 quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Riêng về việc xác định người dân lấn chiếm đất trồng rừng là trách nhiệm của địa phương có Dự án đi qua. Về giá đất, đề nghị phải thực hiện theo quy định chung, không theo yêu cầu của người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cũng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quy định, đồng thuận với chủ trương, chính sách, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công Dự án.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc