Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Dành nguồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:23, 13/07/2023

Những năm qua huyện M’Drắk đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, hoạt động chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng nâng lên.

Huyện M’Drắk có hơn 46% dân số là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Êđê. Xác định công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, trong những năm qua, huyện đã triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS kịp thời, đúng đối tượng.

Xây dựng đường nông thôn mới tại xã Ea Pil, huyện M’Drắk.

Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn, huyện M’Drắk đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng DTTS và miền núi. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) đầu tư trên 68 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 118 công trình giao thông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường, lớp học… Chương trình 755 hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.135 hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ trên 77 tỷ đồng xây dựng và duy tu, bảo dưỡng 81 công trình giao thông. Cùng với đó, từ năm 2014 - 2018, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã đầu tư gần 74 tỷ đồng xây dựng và duy tu, bảo dưỡng 66 công trình hạ tầng cơ sở, giao thông, trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho 3.566 hộ nghèo, hộ DTTS khó khăn…

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong hai năm (2022 - 2023) huyện M'Drắk được hỗ trợ trên 69,3 tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của chương trình, nhằm chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Drắk phối hợp cán bộ xã Krông Jing kiểm tra các mô hình vay vốn hộ nghèo.

Với những giải pháp đồng bộ, công tác chăm lo đời sống đồng bào DTTS đã góp phần thay đổi cơ bản các thôn, buôn đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk. Đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3 - 4%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,45%. Nhiều hộ DTTS được hỗ trợ, tạo điều kiện đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như gia đình chị H’Zen Niê (tổ dân phố 2, thị trấn M’Drắk) từng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn để phát triển sản xuất; thu nhập của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào 2 ha đất trồng ngô, sắn. Năm 2020, được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp hội phụ nữ, gia đình chị đã được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Từ số vốn vay này, chị đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng keo và 1,2 ha mía. Chị H'Zen cho biết, hiện rừng keo của gia đình chị đã bước sang năm thứ ba, sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với 1,2 ha mía sau hai vụ thu hoạch, chị đã trả được tiền gốc 50 triệu đồng. Số tiền lãi chị tiếp tục đầu tư trồng mía và sửa chữa chuồng chăn nuôi bò sinh sản, cuộc sống gia đình chị dần đi vào ổn định.

Một trường hợp khác, chị H’Nhơn Niê (buôn Nhang - Ea Tlu, xã Krông Jing) là phụ nữ đơn thân, có ít đất sản xuất nên là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của buôn. Không có đất sản xuất, một mình gồng gánh nuôi con trai ăn học nên đủ ăn đã khó, chứ chưa nói đến tiền làm nhà. Vì vậy, hai mẹ con chị H’Nhơn nhiều năm trước vẫn phải sống trong căn nhà tạm dột nát. Tháng 6/2023, niềm vui đã đến với hai mẹ con chị H’Nhơn khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và huyện kết nối hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà Tình thương. Căn nhà được xây dựng quy mô nhà cấp 4, có diện tích sử dụng khoảng 35 m2 với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Có nhà mới, chị không còn lo lắng khi con ở nhà một mình trong căn nhà dột nát mỗi khi chị phải đi làm xa. Ngoài ra, con trai chị là cháu Y Long Niê đã được Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.