Multimedia Đọc Báo in

Liên kết hợp tác để phát triển sản xuất nông nghiệp

08:25, 06/07/2023

Việc đưa các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Krông Ana vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp đã giải quyết được nhiều vấn đề về kỹ thuật, quy trình sản xuất, giúp nông dân địa phương giải được bài toán “trồng cây gì”, “bán cho ai”...

Dù mới thành lập chưa lâu nhưng THT sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na) đã cho thấy sự đột phá từ trong tư duy làm kinh tế tập thể và phát triển sản xuất. Hiện THT có 15 thành viên, tham gia sản xuất ca cao trên tổng diện tích 36 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường 32 tấn ca cao hạt.

Cây ca cao là loại cây trồng khá mới ở địa phương. Một số nông dân địa phương đã mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế từ trồng loại cây này. Thế nhưng, có những thời điểm sản phẩm đối mặt với tình trạng bị thương lái ép giá. Đáng nói, một số nông dân vẫn giữ thói quen canh tác tự phát, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm sau thu hoạch chất lượng chưa cao.

Chế biến sôcôla tại Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn.

Năm 2021, THT sản xuất ca cao hạt Tân Thành được thành lập, các thành viên liên kết với nhau và sản xuất theo “đơn đặt hàng” của Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn. Theo đó, phía công ty hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 10%. Về phía người trồng phải cam kết sản phẩm làm ra bảo đảm quy trình lên men; kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy... Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Tổ trưởng THT, điều này đã giúp nông dân hình thành thói quen sản xuất theo quy trình và làm ra sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường, từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng thu nhập. Hiệu quả mang lại càng khuyến khích bà con nông dân tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết để phát triển kinh tế.

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na) chăm sóc vườn cây.
 
Phương thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã giúp phát huy thế mạnh của hai bên, tranh thủ các điều kiện để ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là “cầu nối” để hội viên nông dân kết nối với nhau bền chặt hơn, hình thành thói quen sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp".
 
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Tam Êban

Trong lúc nhiều nông dân đang loay hoay tìm đầu ra trong sản xuất nông nghiệp thì THT lúa Quỳnh Ngọc 2 (xã Ea Na) là một điển hình về giải quyết vấn đề này. THT lúa Quỳnh Ngọc 2 thành lập đầu năm 2021 có 17 hộ thành viên tham gia sản xuất 50 ha lúa nước. THT đã chủ động liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, nhà máy thu mua lúa, gạo ở tỉnh Long An để chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Ông Bùi Văn Đoán, Tổ trưởng THT cho biết, mỗi năm các hộ thành viên sản xuất hai vụ lúa, bình quân cung ứng ra thị trường 500 tấn/vụ. Toàn bộ sản lượng lúa đáp ứng yêu cầu chất lượng nên làm ra đến đâu được THT liên kết với doanh nghiệp thu mua tiêu thụ hết đến đó, với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg lúa khô. Nhờ đó, bà con yên tâm, không phải lo lắng về đầu ra, không lo bị thương lái ép giá.

THT nghề nghiệp Ê Đê Café (xã Dray Sáp) cũng đã thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn là Công ty TNHH Ê Đê Café để giải quyết bài toán “đầu vào”, “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp của các thành viên. Cụ thể, phía doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và cử người hướng dẫn, tập huấn, giám sát quy trình sản xuất của 7 thành viên THT. Cuối vụ, cà phê phải được hái chín đều trên 95%, theo tiêu chí kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công ty đưa ra, được thu mua với giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg tươi. Ông Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café khẳng định, việc liên kết giúp cả “hai nhà” đều có lợi, về phía công ty giải quyết được vấn đề vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu; về phía nông dân giải quyết được vấn đề kỹ thuật, công nghệ, quy trình và đầu ra cho sản phẩm.

Xác định tầm quan trọng của việc liên kết để phát triển kinh tế, Hội nông dân huyện Krông Ana đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hội viên liên kết phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hộ, kinh tế tập thể, thành lập các nhóm hộ có cùng sở thích, cùng sản xuất một mặt hàng… thành lập THT phù hợp để từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 5 hợp tác xã và 22 THT do Hội Nông dân thành lập.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.