Multimedia Đọc Báo in

Mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh

11:01, 31/07/2023

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (TALIM), cơn bão số 2 (DOKSURI) và gió Tây Nam hoạt động mạnh, trên địa bàn Đắk Lắk đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, đặc biệt từ ngày 21 – 29/7 có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt từ 100 – 400 mm đã gây ngập lụt trên địa bàn nhiều huyện.

Theo thống kê, từ ngày 21 - 30/7, đã có 2.440 ha cây trồng bị ngập, gồm: lúa 2.256 ha; 95,5 ha ngô; 42,5 ha điều; 46 ha đậu và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện Ea Súp, Lắk, Krông Bông, Krông Ana.

ảnh
Cánh đồng lúa trên địa bàn xã Buôn Tría (huyện Lắk) ngập sâu trong nước

Cụ thể: tại huyện Ea Súp, có khoảng 1.462 ha cây trồng các loại bị ngập, chủ yếu là diện tích lúa vụ hè thu với gần 900 ha, tập trung ở các xã Ea Rốk và Ea Lê; một số nhà ở bị ngập khoảng 20 – 30 cm tại xã Ea Rốk; một số điểm giao thông tại Quốc lộ 14C từ xã Ia R’vê đi Ia Lốp và một số điểm trên các tuyến đường liên xã bị ngập từ 10 – 20 cm; mưa lũ làm hư hỏng khoảng 2 km đường kênh N12, thuộc kênh Chính Tây hồ chứa nước Ea Súp thượng (trong đó bị vỡ 1 đoạn) và tuyến kênh Chính Tây bị vỡ tại đoạn K13+300.

Tại huyện Lắk: có khoảng 933 ha lúa (ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng, Yang Tao, Bông Krang, Đắk Nuê và thị trấn Liên Sơn) bị ngập; 1 nhà dân bị sập (ở xã Đắk Liêng); có khoảng 30 m bờ sông Krông Na (thuộc địa phận xã Buôn Triết) bị tràn bờ. Hiện nay, nước trên các suối đổ về rất nhanh, khả năng bị ngập trên diện rộng, đặc biệt 3 xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng. Địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ đắp bờ, khắc phục sự cố ở bờ sông Krông Na.

Ngoài ra ở huyện Krông Bông có khoảng 148 ha lúa bị ngập và một số điểm trên các tuyến đường nội đồng bị ngập, hiện nay nước đang xuống dần, giao thông được đảm bảo; huyện Krông Ana có khoảng 140 ha lúa bị ngập.

ảnh
Nhà dân bị ngập trên địa bàn huyện Ea Súp

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động trong các tình huống.

UBND các huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn; vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra bảo vệ an toàn người và tài sản; phân công lực lượng chức năng trực, hướng dẫn không cho người dân qua lại các tuyến đường đang bị ngập nước.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.