Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp: Cần những giải pháp đồng bộ

08:25, 06/07/2023

Phát triển cụm công nghiệp (CCN) là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập đi vào hoạt động. Các CCN này được quản lý theo hai mô hình: CCN Tân An 1, Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột), Krông Búk 1 (huyện Krông Búk), Hòa Sơn (huyện Krông Bông) do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, CCN quản lý; các CCN Ea Đar (huyện Ea Kar), M’Drắk (huyện M’Drắk), Ea Ral (huyện Ea H’leo), Ea Lê (huyện Ea Súp), Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) do UBND huyện quản lý thông qua Trung tâm Phát triển CCN, Ban quản lý dự án các công trình hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng.

Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar.

Toàn tỉnh hiện có 166 dự án đã đăng ký đầu tư vào các CCN, với tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu 6.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký hơn 266 ha. Trong đó có 103 dự án đang hoạt động (diện tích thuê đất 137 ha), 15 dự án đang xây dựng (25,5 ha), 17 dự án đang làm thủ tục đầu tư (hơn 27,5 ha), 17 dự án đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai (40,7 ha) và có 14 dự án tạm ngưng hoạt động hoặc không đầu tư xây dựng (hơn 35 ha). Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong thu hút đầu tư, nhưng hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế. Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các CCN, tổng số vốn theo dự toán là 1.327 tỷ đồng, nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ mới đầu tư gần 407 tỷ đồng. Do đó, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của CCN không đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà đầu tư.

Hiện tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 76%, tuy nhiên trong thực tế, một tình trạng chung ở hầu hết các CCN là việc sử dụng đất chưa hiệu quả. Qua khảo sát, đánh giá của Đoàn công tác liên ngành số 2088 của tỉnh do Sở Công Thương chủ trì cho thấy, nhiều dự án được thuê đất với diện tích lớn, nhưng không đầu tư đúng theo quy mô, công suất khi lập hồ sơ thuê đất. Có những dự án chậm đưa đất vào sử dụng, triển khai đầu tư xây dựng kéo dài, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích. Bên cạnh đó, một số dự án dừng hoạt động nhiều năm nhưng không được xử lý, gây lãng phí quỹ đất công nghiệp. Mật độ xây dựng tại CCN thấp so với đăng ký đầu tư, còn tình trạng các dự án xây dựng chưa đúng thiết kế được phê duyệt, nhiều dự án tiến độ xây dựng chậm, phải điều chỉnh thời gian đầu tư xây dựng. Một số CCN chưa đền bù giải phóng mặt bằng hết diện tích đất đã quy hoạch. Chẳng hạn, một phần diện tích CCN Ea Ral đang là đất trồng cà phê, tiêu và hoa màu thuộc sở hữu của người dân; hay như CCN M’Drắk thì phần lớn diện tích đất bị người dân xâm canh...

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao là do Đắk Lắk có ít nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, do áp lực về việc kêu gọi đầu tư để đạt tỷ lệ lấp đầy CCN, nên có những thời điểm, việc lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện chặt chẽ. Đơn giá cho thuê đất trong CCN thấp, cộng với chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, nên các nhà đầu tư muốn giữ đất, thuê đất với diện tích lớn trong CCN để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, UBND huyện và các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, chặt chẽ. UBND các huyện và các sở, ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý hoạt động các CCN. Đơn vị được giao chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật hạn chế về năng lực điều hành, quản lý, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp đầu tư vào CCN không tuân thủ quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai… Từ đó, việc thu hồi dự án, thu hồi đất, xử lý tài sản trên đất đối với các dự án không triển khai đầu tư, chậm tiến độ, dừng hoạt động và sử dụng đất sai quy hoạch chi tiết đã phê duyệt không quyết liệt.

Cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp. Trong ảnh: Một doanh nghiệp về cơ khí hoạt động hiệu quả trong Cụm công nghiệp Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột).

Từ thực trực trạng trên, Đoàn công tác 2088 đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, về cơ chế, trách nhiệm quản lý CCN, cơ quan chức năng cần ban hành quy chế hoạt động của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư hạ tầng với các đơn vị có liên quan từng CCN. Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng CCN để nâng cao sức hút đối với các nhà đầu tư. Mặt khác, tỉnh cần giao UBND huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra chi tiết từng dự án tại các CCN thuộc địa bàn, đề xuất xử lý đối với những dự án có vi phạm các quy định. Về giá thuê đất, cơ quan chức năng cần điều chỉnh và xác định đơn giá thuê đất theo hướng đơn giá thuê đất công nghiệp tương đương với giá thị trường khu vực có CCN nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế của CCN.

Toàn tỉnh hiện có 3.492 lao động địa phương đang làm việc tại các CCN, thu nhập khoảng từ 4,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, một số loại hình doanh nghiệp, dự án hoạt động theo thời vụ như: chế biến trái cây, chế biến gỗ… nên thu nhập chưa ổn định. Tất cả các CCN chưa có thiết chế văn hóa, xã hội, nhà ở cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.