Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm sản vật địa phương

08:20, 30/07/2023

Huyện Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên nên có không ít sản vật là sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa được phát triển một cách bài bản, toàn diện để mang tính đặc trưng, cạnh tranh cao và gia nhập sâu vào thị trường. Bởi vậy, việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng tầm sản vật địa phương là điều thiết yếu.

“Lên đời” cho sản phẩm

Mới ra mắt thị trường được ba năm, nhưng sản phẩm trà Hoàng Ngưu của ông Nguyễn Xuân Chiến (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) đã nhận được đánh giá tốt của nhiều khách hàng. Chia sẻ về ý tưởng làm ra sản phẩm, ông Chiến kể, thuở nhỏ, bố ông là lương y nên đã nhiều lần lên rừng tìm hái lá thành ngạnh (cây đỏ ngọn) lấy nước uống mang lại nhiều công dụng như: giúp bảo vệ thành mạch, cân bằng huyết áp, tăng cường trí nhớ, chống đột quỵ và tai biến mạch máu não. Năm 1986, rời quê hương Thanh Hóa vào địa phương, nối nghiệp bố làm lương y, ông lên rừng tìm dược liệu và đã phát hiện ra rất nhiều loại cây này nên hái lá về nấu nước uống. Trước khi đi rừng, ông và cán bộ kiểm lâm thường uống loại nước này, ai cũng khen công dụng phục hồi sức khỏe rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Chiến (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) chia sẻ ý tưởng tạo ra sản phẩm trà Hoàng Ngưu.

Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về loại cây đỏ ngọn. Càng đi sâu vào nghiên cứu, ông nhận thấy chỉ cây thành ngạnh ở núi Nam Ka và Chư Yang Sin (huyện Lắk) mới có hoạt chất, hàm lượng tanin và flavonoid cao hơn những nơi khác. Vì vậy, năm 2019, ông bắt tay vào chế biến trà từ lá cây này kết hợp cùng một số loại dược liệu khác. Sau đó, ông gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để phân tích. Kết quả, sản phẩm của ông đạt tiêu chuẩn cao, các thành phần, hoạt chất có thể sản xuất ra trà.

Tuy nhiên, việc chế biến trà Hoàng Ngưu của ông Chiến còn thủ công; khâu đóng gói, sấy sản phẩm phải gửi sang nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng nên còn nhiếu bất cập. Bởi vậy, năm 2021, ông đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã truy xuất nguồn gốc, phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Ông chia sẻ: “Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm hữu ích đến với khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu thành lập hợp tác xã liên kết với người dân nhằm tạo công ăn việc làm từ hình thành vùng trồng nguyên liệu. Từ đó mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói để phát triển sản phẩm”.

Trong khi đó, gần 30 năm qua, cá bống kho hồ Lắk của gia đình bà Phan Thị Mến (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã trở thành món ăn gây “nghiện” cho người dân địa phương và du khách. Từ năm 1994, gia đình bà “bén duyên” với việc kinh doanh quán cơm bằng món bán chạy nhất là cá bống kho. Bà Mến cho hay, ban đầu mọi người đến ăn nhiều và mua mang về. Sau đó, khách hàng nhiều nơi ghé ăn, ưa chuộng mua với số lượng lớn và ví nó như sản vật của địa phương. Bởi cá bống hồ Lắk khác hẳn với những địa phương khác, cá có đầu nhỏ, thân béo chắc thịt, đầu không có sạn; khi kho lên theo đúng kỹ thuật sẽ giòn, không bị nát.

Mặc dù không ngần ngại chia sẻ công thức kho, nhưng theo bà Mến, không ai nấu ra được đúng vị, vì từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến đều được bà lựa chọn tỉ mỉ, cẩn trọng. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cá bống kho của gia đình rất ổn định, thậm chí còn bán ra ngoại tỉnh, nhất là bán đi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, gia đình bà đã chủ động đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cấp huyện và được hỗ trợ về những quy trình, thủ tục hoàn thiện các điều kiện với hy vọng "lên đời" cho sản phẩm.

“Cầu nối” mở rộng thị trường

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang, địa phương có nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu, đất đai và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển sản phẩm nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, thiên nhiên ban tặng nhiều thủy sản phong phú tại hồ Lắk như: cá trắm, cá lăng, cá bống, tôm đồng, lươn, cua, ếch... Người dân đã chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, có thương hiệu riêng như: chả cá thát lát, cá lóc phơi khô, cá bống kho hồ Lắk. Đây là những sản vật rất có giá trị của địa phương.

Bà Phan Thị Mến (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm cá bống kho. 

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất sản phẩm có kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vẫn còn ít. Quy mô của các cơ sở vẫn còn nhỏ, chưa thể cung cấp ra thị trường số lượng sản phẩm lớn cùng một lúc. Vì vậy, xây dựng sản phẩm OCOP chính là “cầu nối” để nâng tầm sản vật, mở rộng thị trường. Qua đó, tạo cơ hội để khơi dậy lợi thế địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Dự kiến năm 2023, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động các chủ thể xây dựng 4 sản phẩm OCOP (trà Hoàng Ngư, cá bống kho, sản phẩm trứng vịt và gạo). Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã, thị trấn triển khai xây dựng kế hoạch Chương trình OCOP. Theo đó, địa phương đã định hướng, phát triển các sản phẩm theo đúng quy trình, đảm bảo các điều kiện về sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phát triển chủ thể kinh tế tham gia OCOP cấp huyện, hình thành hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ trong xây dựng sản phẩm OCOP cấp huyện, xã; triển khai một số dự án/sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết trong sản xuất, chế biến, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị …

Khánh Huyền
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.