Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ buôn bán nhỏ

08:16, 18/07/2023

Hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Đắk Lắk thời đại mới" và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam", những năm qua, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ) đã nỗ lực sáng tạo, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chị Luân Thị Thu, hội viên phụ nữ thôn 1A, xã Ea Siên là một điển hình trong các phong trào ấy. Chị Thu năm nay 40 tuổi, kết hôn từ năm 2001, khởi nghiệp chỉ với 5 sào cà phê.

Tuy nhiên với sự biến động của thị trường, giá cả đầu ra bấp bênh, chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, thu nhập từ cây cà phê không đáng kể, không đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Các con lại đang tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống gia đình chị giai đoạn ấy lại càng khó khăn. Trăn trở tìm cách đưa kinh tế gia đình vươn lên, chị nung nấu ý định mở một cửa hàng kinh doanh tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Chị Luân Thị Thu bên quán tạp hóa của gia đình.

Năm 2015, khi đã để dành được ít vốn cùng với sự động viên của gia đình, chị Thu mạnh dạn thuê mặt bằng để mở cửa hàng tạp hóa. Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn như: vốn ít, hàng hóa chưa đa dạng, khách hàng hay mua nợ dẫn đến khó khăn trong việc xoay vòng vốn. Thêm vào đó, một phần chị chưa có kinh nghiệm kinh doanh, quản lý tài chính, mối quan hệ về các bạn hàng; các mặt hàng kinh doanh chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; việc chi trả tiền thuê mặt bằng và nộp các loại thuế nên lợi nhuận thấp.

Đến năm 2018, chị được Tổ vay vốn và tiết kiệm phụ nữ thôn 1A tạo điều kiện vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã. Với số vốn trên, chị mở rộng quy mô kinh doanh, nhập thêm các mặt hàng tiêu dùng, đồng thời chị cũng tìm đến các công ty, đại lý lớn để mua hàng với giá gốc.

Với tâm niệm dù buôn bán nhỏ cũng cần giữ vững đạo đức kinh doanh, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, có hạn sử dụng; các mặt hàng chất lượng, giá cả bán phải chăng; luôn niềm nở, vui vẻ với khách hàng nên quán của chị ngày càng đông khách. Ngoài việc kinh doanh tạp hóa, chị còn mở thêm dịch vụ bán heo quay, tạo công ăn việc làm ổn định cho một lao động cũng là hội viên phụ nữ địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập từ các nguồn được khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống của gia đình chị từng bước ổn định, con cái có điều kiện ăn học đến nơi, đến chốn. Con trai đầu của chị đang là học viên của Trường Sĩ quan lục quân 2 tại Đồng Nai, hai con gái sau đang học THPT và THCS, hằng năm đều đạt học sinh giỏi.

Phạm Thị Len


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.