Multimedia Đọc Báo in

Thoát nước đô thị mùa mưa: Đến hẹn lại… lo

08:25, 24/07/2023

Những năm gần đây, cứ vào mùa mưa, nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lại bất an khi đường sá ngập nước, có nơi nước tràn cả vào nhà, ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống sinh hoạt.

Hễ mưa là ngập

Từ nhiều năm nay, mỗi lần trời mưa to là cả con đường Y Ơn (phường Tân Thành) lại ngập chìm trong dòng nước. Đáng nói nhiều hộ dân ở phía bên trái con đường hễ mưa lớn chỉ vài phút là nước đã tràn vào sân, nhà ở gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt của gia đình.

Nước tràn vào nhà một hộ dân trên tuyến đường Y Ơn (TP. Buôn Ma Thuột) sau mưa.

Ông Trần Quốc Dương, một hộ dân sinh sống trên tuyến đường này cho hay, gia đình ông chuyển về khu vực này sinh sống đã hơn 10 năm, mỗi năm cứ đến mùa mưa lại lo vì chỉ cần mưa to khoảng 5 phút là nước tràn hết vào nhà. Có những lần cả gia đình đi làm về đã thấy nhà lênh láng nước và bùn đất, nhiều vật dụng sinh hoạt trong nhà bị hư hỏng. Hay có những đêm, cứ nghe trời mưa thì vợ chồng ông lại thao thức ngồi “canh” để dọn dẹp, sơ tán vật dụng khi nước chảy vào nhà. Và cứ sau mỗi cơn mưa, người dân sinh sống dọc tuyến đường lại í ới nhau ra đường quét dọn bùn đất, cát đá và rác từ các đường nhánh phía trên cao chảy theo dòng nước đọng lại.

Hay tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành, mỗi khi trời mưa lớn, con đường trở thành "dòng sông" với nhiều đoạn nước chảy xiết, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vào các mùa mưa trước, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra do nước ngập sâu, gió xoáy; nhất là với những người đi xe máy là phụ nữ tay lái yếu.

Theo Ban Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột, vào mùa mưa, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố thường xảy ra hiện tượng ngập cục bộ, thu thoát nước không kịp thời như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn (khu vực Cầu Trắng), 30/4 (tại các vị trí trũng thấp có lưu lượng nước chảy về lớn)… Nguyên nhân là do lưu lượng nước mưa lớn và địa hình tự nhiên dốc từ hướng Bắc đến hướng Nam thành phố nên nước mưa dồn về chủ yếu các tuyến đường chính xảy ra hiện tượng tiêu thoát nước mặt không kịp thời, gây ngập úng cục bộ. Mặc khác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom thoát nước mưa của các trục đường chính chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời (đường kính ống thoát nước dọc và hệ thống cửa xả…); một số hố ga, lưới thu nước mặt trên các tuyến đường bị người dân che lấp, vứt rác thải, cành, lá cây rụng… dẫn đến không kịp thu gom nước mưa, gây ngập úng...

Ngoài ra, do hệ thống mương, suối (Ea Nao, Ea Tam, Ea Ngay…) với mục đích thu gom và tiêu thoát nước mưa chưa được đầu tư hoàn thiện, một số vị trí bị lấn chiếm, xây dựng bờ kè… làm ảnh hưởng đến dòng chảy, không kịp tiêu thoát nước mưa gây ngập úng…

Giải pháp nào cho bài toán thoát nước đô thị?

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mỗi khi mùa mưa đến, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước trên địa bàn; tăng cường công tác vệ sinh lưới thu nước mưa trên địa bàn thành phố; chú trọng đến các tuyến đường có lưu lượng nước mưa chảy về lớn, các vùng trũng thấp, khu vực cửa xả...

Tuyến đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột) ngập nước sau một cơn mưa lớn.

Đồng thời tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt nhằm tránh tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng trên các tuyến đường và cuốn theo dòng nước làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước đô thị; đảm bảo công tác quét dọn, thu gom rác thải, lá cây tồn đọng tại các vị trí lưới thu nước mưa theo lộ trình đã được giao.

Mặc khác, bố trí lực lượng túc trực tại các vị trí, khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng ngập úng để kịp thời xử lý tiêu thoát nước khi xảy ra mưa bão và hỗ trợ người dân khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Đào Công Thạch, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thành phố đang cải tạo hệ thống hố ga, lưới thu nước mưa trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nhằm tăng khả năng thu gom, tiêu thoát nước mưa trên lòng đường, tránh tình trạng ngập úng cục bộ; và dự án xử lý chống ngập khu vực tổ dân phố 1 (phường Tân Hòa). Ngoài ra, đang cải tạo, nạo vét mở rộng lòng suối, xây dựng, cải tạo kiến trúc cảnh quan cho một số tuyến suối và đề xuất đầu tư cải tạo chỉnh trang các dòng suối trên địa bàn để đáp ứng chống ngập hiệu quả; phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, bản sắc và hiện đại.

Với đặc thù khí hậu tự nhiên, vùng Tây Nguyên chủ yếu diễn ra các trận mưa dông lớn với lượng mưa trong ngày từ 200 – 220 mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 (chiếm 80% lượng mưa cả năm). Cùng với đó, những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng ngày càng tăng… đã và đang gây áp lực lớn cho vấn đề thoát nước. Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng ngập do trong quá trình phát triển đô thị không thực hiện tốt các quy hoạch kiến trúc xây dựng. Do đó, dù địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, cũng như đáp ứng nhu cầu thoát nước trên địa bàn đô thị.

Bên cạnh sự đầu tư nâng cấp, quan tâm tìm giải pháp chống ngập của chính quyền và các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm việc không che đậy, vứt rác thải làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước; không lấn chiếm hành lang các dòng suối nhằm đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả.

 

Thúy Hồng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.