Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia

19:23, 19/07/2023

Chiều 19/7, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội khóa XV do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề triển khai thực hiện những nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; H’Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

ảnh
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Sau gần ba năm thực hiện các chương trình MTQG (2021 – 2023) gồm xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh.

Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 74/151 xã đạt 19 tiêu chí (tăng 9 xã so với cuối năm 2020); ước đến cuối năm 2023, số xã được công nhận đạt chuẩn NTM đạt 84/152 xã (tăng 18 xã so với cuối năm 2020); có 1 đơn vị cấp huyện (TP. Buôn Ma Thuột) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến đến cuối năm sẽ có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 10,94% (giảm 1,85% so với cuối năm 2021); ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 1,5 – 2% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo (M’Drắk, Ea Súp) còn 39,26% (giảm 5,67% so với cuối năm 2021); ước thực hiện năm 2023 giảm từ 4 – 5% so với cuối năm 2022.

Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 23,08% (giảm 3,66% so với cuối năm 2021)…

ảnh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà báo cáo tình hình thực hiện các chương trình MTQG với Đoàn giám sát.

Tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Lắk từ năm 2021 – 2023 là trên 3,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Chương trình xây dựng NTM gần 1,1 nghìn tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững gần 700 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,6 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình MTQG tại Đắk Lắk còn nhiều khó khăn, hạn chế như: việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều vướng mắc, cần có cơ chế phù hợp với thực tế; vấn đề cán bộ chuyên trách ở cơ sở cũng cần nhiều cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù Tây Nguyên; nội dung, đối tượng các chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng…

ảnh
Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội trao quà lưu niệm tặng địa phương.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai các chương trình MTQG mà Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt những nội dung của các chương trình; tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, phát huy những cách làm hay, hiệu quả trong triển khai các chương trình MTQG; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại; lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc để có những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về từng chương trình, các dự án, tiểu dự án…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.