Biến động giá sầu riêng, cà phê: Giải pháp nào để an định nông sản?
Với một vùng canh tác lớn như Tây Nguyên, giá trị nông sản chuyên canh được xác định là vấn đề then chốt giúp ổn định kinh tế - xã hội.
Do đó, những biểu hiện biến động giá cả nông sản đang diễn ra với cà phê, sầu riêng… đang đòi hỏi ngành nông nghiệp các địa phương phải có chiến lược an định đầu tư, tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các bên sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia nông nghiệp đã xác định rõ, ưu thế nông sản ở các vùng trồng là cơ sở quan trọng giúp các địa phương xây dựng chiến lược đầu tư vững chắc. Tuy nhiên, “độ nóng” thị trường nông sản Tây Nguyên thường rất “căng” vì đa số nông sản tại đây có tính chất đặc thù như cà phê, điều, ca cao…; mỗi vụ mùa thu hoạch lại tái diễn tình trạng giá cả trồi sụt hỗn loạn. Mùa vụ 2023 này, sầu riêng, cà phê đang có những biểu hiện tăng giảm giá quá mức, khiến nông dân vừa vui mừng nhưng vẫn thấp thỏm lo âu. Thực tế đó đòi hỏi các ngành quản lý phải vào cuộc để điều chỉnh hợp lý, mới ngăn ngừa được những nguy cơ “vỡ trận” thị trường ngay mùa thu hoạch.
Hoạch định vùng trồng
Không phải tự nhiên mà ngay trước mùa vụ 2023, Bộ NN-PTNT đã phát đi những cảnh báo về vùng trồng nông sản chuyên canh trên cả nước. Cảnh tượng nông dân ồ ạt đốn hạ loại cây này để đổ xô sang trồng loại cây khác đã diễn ra hết sức rối ren tại nhiều vùng nông nghiệp. Cụ thể tại Đắk Lắk, diện tích sầu riêng sau những thông tin thuận lợi về xuất khẩu chính ngạch, đã lập tức "phình lên" vượt xa hoạch định của ngành nông nghiệp địa phương. Các cấp quản lý không thể can thiệp việc nông dân tự phát thay đổi cây trồng của mình, song rõ ràng, vấn đề truyền thông định hướng, thông tin đầy đủ, dự đoán chính xác các tình hình để giúp nhà nông thấy rõ những nguy cơ là đang có vấn đề.
Thu mua, đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: Đỗ Lan |
Mà cơ sở thực thi điều này, thật ra lại nằm chính trong sách lược điều chỉnh của các cơ quan quản lý, thông qua các chủ trương hoạch định vùng trồng, cân đối đầu tư giữa các tổ chức, doanh nghiệp với người nông dân, bảo đảm đầu ra, đầu vào của mỗi mùa vụ canh tác được hài hòa, hiệu quả.
Các doanh nghiệp cho rằng, người nông dân xưa nay canh tác theo dự đoán thị trường, nhưng những năm gần đây đã chịu những tác động từ dư luận xã hội, từ các thông tin định hướng, điều phối của ngành chức năng, hoạt động của các tổ chức hiệp hội, đoàn thể, nhất là hội nông dân các tỉnh thành, là đang rất hiệu quả, giúp nông dân nhìn thấy được những cảnh báo cần thiết. Nên để nói người nông dân tùy tiện trong làm ăn là không có cơ sở. Ngược lại, nếu các địa phương tích cực xây dựng được chiến lược các vùng trồng, hoạch định rõ ràng các vùng, khu vực chuyên canh, kêu gọi được các nguồn lực đầu tư kinh tế từ các tổ chức, doanh nghiệp, rõ ràng định hướng điều chỉnh cây trồng cho nông dân là thuận lợi. Chỉ là việc triển khai này thiếu lường đoán trước, chỉ xảy ra sau khi thông tin nào đó đã lan tỏa, khiến người nông dân chuyển hướng vội vã, nên mới dẫn đến những quá độ trong sách lược đầu tư vùng canh tác. Vấn đề này, theo đó rất cần được các cơ quan, ngành chức năng xem xét điều chỉnh.
“Càng ở vùng nông nghiệp chuyên canh, nông dân sẽ càng thận trọng với kế hoạch sản xuất của mình. Họ phải cân nhắc từ giá cây giống đến phân thuốc, công chăm bón toàn diện nên không hề có chuyện hấp tấp làm bừa. Do đó, chỉ cần cơ quan quản lý hoạch định rõ từng vùng trồng, minh bạch từng dự báo diện tích, sản lượng, thời vụ chính xác, chắc chắn việc tổ chức canh tác cho người nông dân là khả quan, nhất là hướng cùng các doanh nghiệp chế biến nông sản lên được những hợp đồng hợp tác, liên kết bền vững” - một lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết.
Hợp tác đầu tư: giải pháp công bằng
Giám đốc một doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản lớn tại Đắk Lắk chia sẻ, trong hơn 3 năm qua, đơn vị này đã dồn vốn liếng, nhân lực đẩy mạnh hợp tác với nông dân các huyện trên địa bàn, gây dựng vùng trồng ổn định. Với mỗi héc-ta canh tác chuyên sâu, doanh nghiệp hỗ trợ bà con đầu tư giống, phân thuốc… hàng chục triệu đồng. Tính ra mỗi vụ, doanh nghiệp đã mất hàng tỷ đồng tạo dựng quan hệ cộng hưởng với nhà nông, bằng cam kết được ưu tiên “đặt cọc” thu mua nông sản làm ra với giá hợp lý. Riêng với những vùng trồng chuyên canh xuất khẩu như sầu riêng, doanh nghiệp còn phải xây dựng mã vùng trồng, mức độ đầu tư, giám sát canh tác còn tăng hơn nữa. Đó là một cách đi rất tích cực, vừa hài hòa quyền lợi cho nông dân về nông sản đầu ra, không bị ảnh hưởng bởi tác động đầu nậu thương lái; vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đủ tự tin ký các hợp đồng mua bán với nhà nhập khẩu lớn.
Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Minh Thuận |
Song, hoạt động hợp tác này hiện đang bị phá vỡ bởi một số đầu nậu, doanh nghiệp khác tham gia thu mua nông sản của bà con. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp liên kết hợp tác nông dân thì đưa ra giá thu mua trước, và đây lại biến thành tiêu chí để các doanh nghiệp, đầu nậu nâng giá ở sau. Khi thấy các đơn vị thu mua sau có giá cao hơn, tất nhiên nông dân sẽ bán cho họ, hoàn toàn không vi phạm cam kết hợp đồng với doanh nghiệp đầu tiên là “sẽ thu mua giá hợp lý với thị trường, không ép giá bên bán”. Vậy là doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân không thể thu mua được nông sản, tổn thất nặng nề bởi những chi phí đầu tư ban đầu. Trong khi đó, những đơn vị đi sau, vừa không phải mất công nhọc sức theo dõi cùng nông dân nhiều tháng trời, vừa có được đơn giá hợp lý để cạnh tranh tốt hơn với đơn vị đầu tư.
Tình trạng này, theo các doanh nghiệp đầu tư có chiến lược hợp tác, đang xảy ra tại các địa bàn nông nghiệp chuyên canh như Krông Pắc, Cư M’gar, Buôn Hồ… Thiệt hại của các đơn vị tổ chức liên kết với người nông dân theo đó là khá lớn, và không thể tạo niềm tin cho họ trong vấn đề hợp tác đầu tư bền vững được. “Chúng tôi kiến nghị, các ngành quản lý cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về hiện trạng đầu tư nông sản chuyên canh hiện tại, giúp các đơn vị có năng lực và nhận thức vùng trồng bền vững được điều kiện an định sản lượng nông sản thu mua. Nếu sản lượng vùng trồng bấp bênh, giá thị trường dao động, các doanh nghiệp này cần được bảo vệ tính ưu tiên trong hoạch định đầu tư. Đây không phải là độc quyền thu mua, mà là kết quả phải có nếu họ tuân thủ kế hoạch vùng trồng dài lâu với nông dân. Không thể vì lấp lửng cơ chế giá thị trường cạnh tranh tự do, mà cơ quan chức năng để các doanh nghiệp đầu tư bị thiệt thòi” – đại diện doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản nhấn mạnh.
Rõ ràng bài toán vận động đầu tư, tạo thế liên kết trong sản xuất chuyên canh là rất cần thiết cho những vùng nông sản lớn tại Đắk Lắk, Tây Nguyên, tạo nền tảng ổn định cho các hoạch định đầu tư nông nghiệp cao sản giá trị. Vai trò của các doanh nghiệp mạnh dạn hợp tác đầu tư theo đó cực kỳ quan trọng. Cho nên, rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách quản lý, giám sát từ các cơ quan, ban ngành chức năng, làm sao để nông dân an tâm sản xuất và doanh nghiệp hợp tác ổn định kế hoạch làm ăn. Như vậy, bài toán nông nghiệp Tây Nguyên và ở các vùng trồng lớn trong cả nước mới thật sự an định và hiệu quả.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc