Giữ giá sầu riêng ổn định: Cần sự gắn kết chặt chẽ
Giá sầu riêng Đắk Lắk tăng “nóng” ngay đầu vụ 2023 đã gây nhiều lo lắng cho cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và cả nông dân. Trong bối cảnh này, việc tăng cường sự gắn kết giữa vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu được xem là giải pháp tối ưu để giữ ổn định cho ngành hàng sầu riêng phát triển về lâu dài.
Nông dân vừa mừng vừa lo
Hơn 10 năm gắn bó với cây sầu riêng nhưng chưa bao giờ ông Y Ly Knul (buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) thấy giá tăng nhanh và cao như hiện nay. Mặc dù chưa đến chính vụ, nhưng vườn sầu riêng gần 1 ha của gia đình ông lại có nhiều thương lái đến chào giá, thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán. Nhiều thương lái đến tận vườn hỏi thu mua sầu riêng Dona, Ri6 với mức giá trung bình 80.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù phấn khởi khi giá sầu riêng tăng cao nhưng gia đình vẫn chưa chốt giá do lo lắng rằng không biết đến thời điểm thu hoạch giá sẽ như thế nào.
Vườn sầu riêng của một hộ dân ở xã Ea Ngai (huyện Krông Búk). Ảnh: Minh Thuận |
Tương tự, ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) nhiều nông dân cũng hồ hởi khi giá sầu riêng tăng mạnh. Ông Nguyễn Bá Thọ (thôn Tân Trung) cho hay, mọi năm giá thành cũng ở mức cao nhưng không tới mức này. “Về tâm lý, người dân vô cùng phấn khởi và vui sướng. Tuy nhiên người làm nông như chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng "được giá, mất mùa" và ngược lại. Chính vì thế tôi lại muốn giá thành ở mức bình ổn và có thể ổn định qua từng năm, tình trạng giá cả lên xuống thất thường sẽ khiến bà con nông dân phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng”, ông Thọ bộc bạch.
Huyện Krông Búk có với 1.500 ha sầu riêng với sản lượng khoảng 70.000 tấn, chủ yếu là giống sầu riêng Ri6, Dona. Hiện nhiều hộ dân rất mừng khi giá sầu riêng tăng cao. Tuy nhiên, phải hơn một tháng nữa sầu riêng ở khu vực này mới cho thu hoạch nên các hộ đều rất phân vân, lo lắng vì hiện tại giá tăng từng ngày nên cũng chưa vội chốt giá với các nhà thu mua.
Ông Tạ Văn Chức (thôn 4, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) cho hay, gia đình có 4 ha sầu riêng mới cho thu hoạch năm đầu tiên, sản lượng khoảng 50 – 60 tấn. Vườn cây còn đến 50 ngày nữa mới cho thu hoạch, nhưng giá thu mua đầu vụ đã tăng rất cao so với nhiều năm. Hiện gia đình đang rất phân vân nên chưa chốt giá bán với thương lái mà chờ đàm phán giá với đơn vị liên kết thu mua.
Vườn sầu riêng của một hộ dân ở xã Ea Ngai (huyện Krông Búk). Ảnh: Minh Thuận |
Cần thắt chặt mối liên kết chuỗi
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo: Để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, thành viên là người nông dân và HTX khi ký các hợp đồng thương mại cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu; cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công xuất như thế nào. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đủ điều kiện được Hải quan Trung Quốc đánh giá và xuất khẩu trực tiếp hay chưa. Người dân, HTX cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói tại địa phương. |
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi hơn 20 thị trường, chất lượng sầu riêng của Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá cao và giá cả phù hợp nên có khả năng cạnh tranh với một số nước như Thái Lan, Malaysia… Trong đó, Trung Quốc là thị trường có nhiều tiềm năng và ngày càng ưa chuộng sầu riêng. Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là thành công lớn của ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây vừa là thời cơ, nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nông dân. Bởi muốn xuất khẩu trái sầu riêng bền vững, cần xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để các bước thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại… được thực hiện thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá sầu riêng tăng “nóng” đang có những ảnh hưởng nhất định đến các chuỗi liên kết mới được tạo dựng và có nguy cơ bị phá vỡ.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột), trước thực trạng của ngành sầu riêng hiện nay, trông thì thuận lợi nhưng đang là thách thức cho doanh nghiệp và nông dân, nhất là trong mô hình liên kết sản xuất. Đặc biệt, giá sầu riêng tại thời điểm này không ổn định và có nhiều mức giá khác nhau trên thị trường khiến nhiều hộ dân thấy lợi trước mắt mà phá bỏ mối liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn, chính quyền và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tình hình hiện tại cũng như lợi ích thiết thực khi tham gia vào chuỗi liên kết trong bối cảnh thị trường đã bão hòa, chứ không phải là giai đoạn đang phát triển sôi động như hiện nay.
Về phía Công ty Hương Cao Nguyên, hiện đã liên kết với 80 hộ của 5 tổ hợp tác ở các địa bàn: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ, với diện tích 300 ha, sản lượng 5.000 – 6.000 tấn. Hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp khác vào đặt vấn đề với các tổ hợp tác, nhưng chưa có hộ nào đồng ý bán ra ngoài, bởi các thành viên liên kết đồng thuận cao với việc thực hiện mô hình liên kết lâu dài, bền vững. Đó là một lợi thế mà doanh nghiệp tạo ra được trong xây dựng, gắn kết vùng trồng.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk khảo sát thực tế các vườn trồng sầu riêng trên địa bàn huyện. Ảnh: Minh Thuận |
Hộ bà Nguyễn Thị Minh Hường (thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Hồ) cho hay, gia đình có 5 sào sầu riêng 10 năm tuổi, sản lượng ước đạt 12 tấn. Thay vì chọn bán được giá cao như các hộ dân khác thì bà đã quyết định bán cho các doanh nghiệp liên kết thu mua với HTX. Bà cho rằng, với cách liên kết này sẽ giúp người nông dân bán được với giá ổn định, lâu dài và vẫn bảo đảm được lợi nhuận. Bởi thực tế cho thấy năm nào cũng có tình trạng “cò” sầu riêng "neo" vườn, bỏ cọc gây thiệt hại lớn cho người trồng. Khi vườn bị "neo" quá lâu, khi rộ mùa thu hoạch, người dân buộc phải bán tháo để xả vườn với giá bán thấp hơn thị trường khoảng 15 - 20%.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ tính riêng Đắk Lắk, diện tích sầu riêng cho thu hoạch chiếm khoảng 40%. Trong ba năm tới, diện tích này sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba; và nếu tính đến 5 năm tới thì sản lượng sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay. Do vậy, chính quyền địa phương, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cần ngồi lại với nhau, gấp rút đưa ra giải pháp để tạo ra chiến lược bền vững. Các doanh nghiệp cần liên kết với các nhà vườn, HTX, cùng chia sẻ lợi nhuận để cùng phát triển bền vững. Ngành hàng sầu riêng cần học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc cách làm và đoàn kết với nhau thì sẽ không ngại phải cạnh tranh với những nước khác.
Mai Minh Thúy
Ý kiến bạn đọc