Multimedia Đọc Báo in

Giữ vững đà tăng, xuất khẩu khởi sắc

08:44, 03/08/2023

Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2023, ngành công thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Tăng trưởng khá

6 tháng đầu năm 2023, trong khi tình hình xuất khẩu của cả nước gặp khó khăn thì kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 810 triệu USD (bằng 50,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Theo đó, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 228.000 tấn (thu xấp xỉ 500 triệu USD), chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cà phê vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thu hái cà phê đặc sản

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Đắk Lắk có ưu thế nhiều mặt hàng nông sản ít bị tác động từ biến động thị trường, nhất là mặt hàng cà phê. Hiện nay, cà phê của Đắk Lắk đã có mặt tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có được điều đó là nhờ ngành cà phê của tỉnh sớm tham gia vào các sàn giao dịch cà phê lớn như New York, Luân Đôn nên đã giúp các DN xuất khẩu ổn định được nguồn hàng và thị trường. Ngay trong những năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng rất cao. Ngoài ra, giá cà phê tăng cao trong thời gian qua (dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg cà phê nhân) cũng là một trong những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tăng.

 

Để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dự kiến từ tháng 8 đến tháng 10/2023, ngành công thương sẽ tổ chức 3 đoàn, gồm 37 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN tại Quảng Tây (Trung Quốc), Chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản và Hội chợ triển lãm thực phẩm lên men quốc tế Jeonju tại Hàn Quốc...

Cùng với đó, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; tận dụng tốt những cơ hội từ biến động của thị trường để khai thác, tìm kiếm đơn hàng.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam tham gia vào một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các DN đã đẩy mạnh đầu tư, đi vào chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh các giải pháp

Đến thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị, DN xuất khẩu cà phê đã tiến hành chốt giá, ký kết đơn hàng đến hết quý III, quý IV năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc.

Để hoàn thành được mục tiêu xuất khẩu năm 2023, các DN đang tập trung duy trì hoạt động sản xuất, nỗ lực thực hiện các đơn hàng theo đúng tiến độ. Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Chi nhánh Buôn Ma Thuột), hiện đơn hàng xuất khẩu đã có đến hết quý IV/2023.

Ông Lê Phước Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã xuất khẩu được 15.000 tấn cà phê (bằng 50% kế hoạch). Tuy nhiên, do năm nay sản lượng cà phê sụt giảm khoảng 20 - 30% so với năm trước và lượng cà phê tồn kho của các DN cũng như của người dân không còn nhiều nên ngoài việc liên kết với nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng từ vùng trồng, công ty đang chủ động trong việc tìm kiếm thêm nhiều nguồn hàng từ các đại lý, đầu mối thu mua của các tỉnh lân cận để bảo đảm nguyên liệu đầu vào.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) xuất khẩu lô cà phê đặc sản đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Ảnh do công ty cung cấp

Để duy trì được đà tăng trưởng, bảo đảm tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD (khoảng 38.000 tỷ đồng), ngành công thương đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Cụ thể, Sở Công Thương đã vận động, hỗ trợ các DN, nhất là các đơn vị thu mua nông sản ở ngoại tỉnh đăng ký thực hiện mở tờ khai làm thủ tục xuất khẩu và nộp thuế ngay tại Đắk Lắk; phối hợp với lực lượng hải quan tạo điều kiện cho DN kiểm dịch, kiểm hóa hàng và làm thủ tục xuất khẩu ngay tại tỉnh, giúp việc xuất hàng đi được nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu mặt hàng xuất khẩu, những thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, điều kiện quy chuẩn, kỹ thuật, các rủi ro thị trường… cho DN xuất khẩu. Cùng với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ thiết kế hình ảnh, mẫu mã cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trên sàn thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh; hướng dẫn các DN về hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, kỹ năng bán hàng trên môi trường số, qua đó đưa sản phẩm tiếp cận với những thị trường tiềm năng, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc