Hụt thu tiền sử dụng đất
Nguồn thu từ sử dụng đất không những góp phần tăng thu ngân sách mà còn đóng vai trò quan trọng đến công tác đầu tư công của tỉnh. Trong năm nay, thu tiền sử dụng đất đang đạt thấp là một trong những khó khăn lớn trong công tác đầu tư xây dựng.
Năm 2023, kế hoạch dự toán tiền sử dụng đất của tỉnh là 3.900 tỷ đồng, trong đó, khối tỉnh thu 2.100 tỷ đồng, khối huyện 1.800 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 3/8/2023, toàn tỉnh mới chỉ thu được hơn 912 tỷ đồng, trong đó khối tỉnh chỉ thu được hơn 112 tỷ đồng, khối huyện hơn 799 tỷ đồng. Trong số này có một số diện tích thực hiện từ cuối năm 2022 nhưng nộp ngân sách năm 2023.
Điểm sáng trong thu tiền sử dụng đất từ đầu năm đến nay là ở khối huyện khi nhiều địa phương đã thu vượt dự toán tỉnh giao. Cụ thể, theo số liệu của Sở Tài chính, đến thời điểm này, huyện Cư M’gar thu đạt 71,3 tỷ đồng (tương đương 203,9% dự toán tỉnh giao), huyện Krông Pắc: gần 79,4 tỷ đồng (132,3%), huyện Krông Năng: gần 24,5 tỷ đồng (122,3%)... |
Theo ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, thu tiền sử dụng đất năm nay rất khó khăn. Hầu hết các phiên đấu giá đất tại địa phương được tổ chức nhưng không thành công, nhiều lô không có khách hàng trả giá.
Tình hình thu tiền sử dụng đất đang gặp một số vướng mắc từ chính sách do nhiều thửa đất được xác định giá vào thời điểm năm 2022 khi thị trường bất động sản sôi động, năm nay giá trên thị trường giảm 30 – 50% nên khi đưa ra đấu giá gặp khó khăn do giá khởi điểm cao.
Bên cạnh đó, những đơn vị được giao thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn nên các dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hệ thống hạ tầng để đưa ra đấu giá.
Chưa kể, có những khu đất nằm trong kế hoạch đấu giá, nhưng quy hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, đấu giá đất, dẫn đến nguồn thu từ lĩnh vực này tại địa phương đang gặp khó.
Năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Lắk được giao thu tiền sử dụng đất là 180 tỷ đồng. Đến nay đơn vị mới thực hiện được hơn 90 tỷ đồng (tương đương 50% kế hoạch dự toán).
Ông Đào Nam Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, tình hình thu tiền sử dụng đất hai năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, đơn vị hụt thu 27,7 tỷ đồng; trong năm nay, có 71 thửa đất ở 4 vị trí tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc đã đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước, được đấu giá với tổng giá trị khởi điểm hơn 222 tỷ đồng, đã thông báo hai lần nhưng không có người mua.
Trong số này, dự kiến từ nay đến cuối năm, Trung tâm chỉ có thể thu được khoảng 20 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số người dân vẫn còn tâm lý chờ giá bất động sản “chạm đáy”, khi đó Nhà nước sẽ hạ giá bán quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, một số khách hàng muốn mua đất nền của Nhà nước thì đã bị "chôn vốn" ở những sản phẩm vùng ven mà họ đã “ôm” trong thời điểm “sốt” đất. Tín hiệu tích cực là lãi suất ngân hàng đang có chiều hướng giảm, việc tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn nên tình hình giao dịch bất động sản thời gian tới có thể sẽ khả quan hơn.
Một khu vực đất đấu giá ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) có hạ tầng đồng bộ nhưng chưa bán được. |
Theo số liệu của Cục Thuế Đắk Lắk, do những biến động từ thị trường tài chính, bất động sản, dẫn đến thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 134,4 tỷ đồng (bằng 26%, giảm 376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, việc thực hiện giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến ngân sách giảm 43 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu cho thấy, một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh như: khu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (cũ) và khu đất trụ sở - khách sạn Đakruco… vẫn chưa tìm được nhà đầu tư cũng là yếu tố khiến thu tiền sử dụng đất đạt thấp. Bên cạnh những khu đất lớn phải kêu gọi nhà đầu tư tầm cỡ thì mới mua được, còn lại là bán đất nền, đất cho người dân làm nhà nhưng nhu cầu rất ít. Việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng hạn chế, chỉ một số người dân thực sự có nhu cầu mới chuyển đổi.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc